Hỏi:
Thế nào là tông chỉ Tịnh độ?
Đáp:
Tông chỉ Tịnh độ là: tín, nguyện, hạnh.
-Tín là tin, có 3 thứ tin:
1-Tin lời của Phật Thích Ca không có nói dối.
2-Tin kiếp này mình sẽ được vãng sanh, chứ khỏi cần đợi kiếp sau.
3-Tin có cõi Cực Lạc, như kinh Di Đà nói “gió thổi chim kêu như âm nhạc làm cho mình nghe thấy ham tu”, tin cõi Cực Lạc có vui mà không có khổ. Được sanh cõi Cực Lạc, rồi nhờ Phật A Di Đà dạy tham thiền, phát khởi nghi tình được kiến tánh thành Phật.
-Có 2 thứ nguyện: tiểu nguyện và đại nguyện.
Tiểu nguyện là nguyện cầu cho mình được vãng sanh thì không được vãng sanh. Tại sao? Vì không hợp với nhân quả. Như giết một mạng phải trả một mạng, ăn một cục thịt phải trả một cục thịt, mới đúng nhân quả. Từ hồi nhỏ đến bây giờ ăn bao nhiêu, giết hại bao nhiêu, giết một con kiến cũng là sinh mạng, đập chết một con muỗi cũng là sinh mạng phải trả quả.
Nếu cầu cho mình được vảng sanh thì không được, vì vãng sanh là không chết rồi sẽ thành Phật, thành Phật sao còn đi đầu thai để trả nợ! Vậy là không có nhân quả. Cho nên, phải phát đại nguyện mới hợp nhân quả.
Đại nguyện là không cầu một mình vãng sanh. Thành Phật trở lại độ chúng sanh nào, mà mình thiếu nợ mạng, nợ thịt thì mới đúng nhân quả. Phát đại nguyện là coi tất cả chúng sanh bình đẳng. Nếu không thực hành đại nguyện vẫn còn ăn cá thịt. Nghịch lại đại nguyện của mình là nguyện giả nguyện suông làm sao được vãng sanh!
Như thiếu nợ của người ta, mà trương mục trong ngân hàng của mình không đủ tiền trả; Mình ký ngân phiếu hẹn 5 hay 10 năm trả, người ta đem ngân phiếu lại ngân hàng để lảnh. Nhưng mình mỗi ngày phải nạp tiền vô ngân hàng. Nếu mình nói suông, không có tiền vô ngân hàng; người ta đem ngân phiếu đến lảnh tiền không được, phát hiện là ngân phiếu giả; phải bị pháp luật truy tố mình.
Cho nên, phát đại nguyện phải thực hành đại nguyện của mình phát. Như mỗi ngày mình phải làm những việc thiện, bố thí… Đại nguyện là không phải chỉ miệng nói tâm nghĩ là được, mà phải thực hành. Nếu chỉ miệng nói tâm nghĩ là nguyện suông, nguyện giả không được vãng sanh.
Còn hai thứ là: Quán tưởng niệm Phật là thiền và Thật tướng niệm Phật cũng là thiền. Phần nhiều người ta không tu thiền của Tịnh độ. Một số người tu Tịnh độ cho mình không phải thiền, mà lại phỉ báng thiền. Bất cứ pháp môn nào cũng có thiền.
Quán tưởng niệm Phật có kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy 16 thứ pháp thiền quán. Nhưng người tu Tịnh độ và dạy Tịnh độ không để ý, cho là Thiền Tịnh song tu. Chính Tịnh độ đã có thiền, đâu cần phải Thiền Tịnh song tu!
Tổ 13 của tông Tịnh độ là Pháp sư Ấn Quang dạy cách thực hành niệm Phật có 2 thứ: Nhiếp tâm niệm Phật và Tán tâm niệm Phật.
Thế nào tán tâm niệm Phật? Là miệng niệm Phật, nhưng suy nghĩ cái này cái kia, không có chú tâm. Tán tâm niệm Phật dù có niệm một ngàn câu không bằng nhiếp tâm niệm Phật một câu, hay là mười ngàn câu, trăm ngàn câu, tán tâm niệm Phật cũng không bằng một câu nhiếp tâm niệm Phật.
Thế nào nhiếp tâm niệm Phật? Pháp sư Ấn quang dạy là ghi nhớ niệm Phật, như niệm A Di Phật thì nhớ một, niệm A Di Phật thì nhớ hai, niệm A Di Đà Phật thì nhớ ba; là nhớ chứ không phải niệm A Đà Phật một, A Di Đà Phật hai, A Di Đà Phật ba. Phải niệm bốn chữ rồi nhớ một số, nên gọi là ghi nhớ niệm Phật.
Ngài dạy niệm A Di Đà Phật, không cần phải niệm Nam Mô A Di Đà Phật, chỉ cần bốn chữ đơn giản hơn. Nếu sáu chữ thì ba năm được thành tựu, mà bốn chữ thì hai năm thành tựu; vì bốn chữ dễ nhớ hơn, tức là từ một nhớ đến mười; khi nhớ thường thường hay quên, niệm thì không quên; như nhớ năm, sáu thì hay quên hoặc ba, bốn cũng quên thì phải bắt đầu lại A Di Đà Phật thì nhớ một, A Di Đà Phật thì nhớ hai…
Nếu quên hay lộn xộn phải chia làm hai đoạn, là từ một nhớ tới năm, từ sáu nhớ tới mười. Nếu hai đoạn còn lộn xộn hay quên thì chia làm ba đoạn, từ một tới ba, từ bốn tới sáu, từ bảy tới mười. Đã ngắn không còn quên hay lộn nữa. Ba đoạn thuần thục rồi tiến lên hai đoạn, hai đoạn thuần thục thì từ một tới mười.
Ngược lại từ mười tới một, tức là A Di Đà Phật thì nhớ mười, A Di Đà Phật thì nhớ chín, A Di Đà Phật thì nhớ tám… Khi xuôi ngược đều quen thuộc khỏi cần nhớ, cứ niệm. Niệm được như vậy thì bốn chữ A Di Đà Phật ở trong tâm, có niệm hay không niệm đều ở trong tâm, tức “niệm mà bất niệm, bất niệm mà niệm”. Đến chỗ này gọi là nhứt tâm bất loạn.
Nhứt tâm bất loạn không phải quyết định được vãng sanh, chỉ sanh phẩm vị cao. Nếu không phát đại nguyện và không thực hành đại nguyện của mình phát, dẫu cho đến nhứt tâm bất loạn cũng không được vãng sanh; quyết định được vãng sanh là do cái nguyện.
Còn nói khi lâm chung niệm mười niệm được đới nghiệp vãng sanh! Nếu không đúng tông chỉ, khi lâm chung niệm một tỷ niệm cũng không được vãng sanh. Đúng tông chỉ thì khỏi cần mười niệm, mà chỉ cần một niệm cũng được vãng sanh.
Ngài Ấn Quang giải thích tín, nguyện, hạnh rất kỹ, có đường lối cho mình y theo đó thực hành. Nhưng bây giờ nhiều người dạy Tịnh độ mà không có đường lối để cho người ta thực hành, người học không biết, chỉ biết tụng kinh gõ mõ là Tịnh độ. Tụng kinh gõ mõ là Giáo môn, không phải Tịnh độ, tụng kinh tới đâu thì quán tưởng tới đó.
Di Đà Tịnh độ là Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Trì danh niệm Phật. Người ta bây giờ chỉ biết Trì danh niệm Phật. Quán tưởng niệm Phật cũng có nhưng rất ít.
Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ai thực hành Quán tưởng niệm Phật, mà lại phủ nhận thiền, cho là Tịnh độ không có thiền. Tịnh độ là thiền, không có pháp môn nào mà không có thiền! Thiền là để thực hành, nếu không có thiền thì không có tu.
Như niệm đến nhứt tâm bất loạn là thiền. Cho đến tà ma ngoại đạo cũng có thiền. Tôi không biết sao người tu Tịnh độ chỉ chấp niệm Phật mà không biết thiền của Tịnh độ! Đã không biết mình có thiền, lại đi bài xích thiền của người khác.
Thật tướng niệm Phật giống như Tổ sư thiền, sanh thì sanh nhưng không có vãng sanh, ở đâu cũng là Tịnh độ. Tâm tịnh là Phật độ tịnh, tức Tịnh độ trong tâm mình chứ không phải ở ngoài tâm. Vì tâm là thật tướng, gọi là Thật tướng niệm Phật.
Quán tưởng niệm Phật ghi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, như quán mặt trời khi thành, nửa đêm mở mắt thấy có mặt trời sáng như ban ngày; quán Phật A Di Đà thành tựu, lúc khởi quán có Phật A Di Đà trước mắt. Đâu có cần lâm chung thấy Phật đến rước mình! Muốn thấy lúc nào cũng được.
Đó là tôi giảng sơ về pháp môn Tịnh độ, đây không phải là của tôi, tôi coi sách Tinh Hoa Lục của Pháp sư Ấn Quang. Những người hoằng dương Tịnh độ hay tu Tịnh độ cũng có coi, nhưng không biết.