Anh Chàng Tham Đất

Xưa có anh chàng nọ được một vị thần hứa ban cho chút ân huệ. Vị thần nói:

– Anh được một điều ước không vượt ngoài khả năng của ta. Hãy nói đi, anh cần gì?

Vốn là người nghèo khó nên anh chàng không cần suy nghĩ, liền nói:

– Con muốn trở thành người giàu có nhất thiên hạ.

Vị thần đáp:

– Được, kể từ bây giờ cho đến lúc mặt trời lặn, những nơi nào anh đi qua, ta sẽ cho anh quyền sở hữu những nơi ấy.

Nghe vị thần nói, chàng ta hết sức mừng rỡ, lao mình chạy nhanh như tên bắn với hy vọng cho kịp đến lúc mặt trời lặn anh có thể đi qua thật nhiều nơi để được quyền sở hữu những phần đất đó. Anh ta chạy không kịp thở, mồ hôi đầm đìa cũng không cần lau, khát khô cả cổ cũng không màng uống, bụng đói cồn cào cũng không nghĩ đến ăn, thời gian đối với anh ta lúc này còn quý hơn vàng bạc.

Trời sắp về chiều, anh chàng càng chạy gấp. Đôi bàn chân bị sỏi đá cào rách toạc, máu chảy ướt đầm mà anh ta không hề hay biết. Hơi thở càng lúc càng ngắn, lồng ngực nặng nề, tim đập liên hồi như sắp vỡ ra thành từng mảnh vụn, nhưng anh ta vẫn cố sức, hy vọng có được thật nhiều đất.

Như chạy đua với mặt trời, dù chân đã rã rời, sức cùng lực kiệt, gắng chút hơi tàn còn sót lại, anh ta lê từng bước thảm hại trên đường. Thời gian càng rút ngắn thì cuộc đời anh ta cũng kết thúc dần. Thế rồi khi mặt trời vừa khuất dạng cũng là lúc anh ta ngã gục và trút hơi thở cuối cùng. Rốt cuộc thì anh chàng tham đất chỉ sở hữu được ba thước đất mộ huyệt, nơi an nghỉ cuối cùng.

(Kể theo Lành dữ nghiệp báo – Thích Chân Tính)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Đời người là cuộc chạy đua với thời gian để mong được sở hữu thật nhiều. Nếu không tỉnh ngộ thì chúng ta có khác chi anh chàng tham đất trong câu chuyện, chạy từ sáng cho đến tối, từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn, mong có được thật nhiều đất để trở thành người giàu nhất thiên hạ. Suốt một đời, chúng ta lao tâm khổ trí, mệt nhọc hình hài cũng không ngoài mưu cầu tiền tài, sắc đẹp, quyền lợi, danh vọng, địa vịTuy nhiên, có mấy ai toại nguyện thỏa lòng, bởi lòng tham con người không đáy, bản chất cuộc đời bất toàn, không trọn vẹn và đời sống con người thì quá ngắn ngủi, mong manh.

Đa phần, khi chúng ta chưa đạt được ý nguyện, chưa thỏa mãn lòng tham thì cái già, bệnh, chết đã đến, cũng như anh chàng kia chạy chưa được bao xa thì mặt trời đã lặn, sức kiệt hơi tàn. Dẫu mưu hay, kế giỏi, tài sức đến đâu cũng không tránh khỏi tử thần; dẫu giàu có, thế lực quyền uy tột bậc cũng không thể mua sinh mạng, cuối cuộc hành trình, cái mà ta thực sự có được không ngoài ba thước đất chôn thân.

Bởi thế, Đức Phật khuyên mọi người nên sống thiểu dục, tri túc (ít ham muốn, biết đủ). Kinh Di Giáo có dạy: “Nên biết, người nhiều ham muốn, tham cầu danh lợi cho nên khổ não cũng nhiều”.

Do vậy, người học Phật ngoài việc mưu sinh chân chính, cần dành thì giờ và công sức cho tu tập. Nhận thức được cuộc đời ngắn ngủi, không lãng phí thời gian cho các tham vọng hư huyễn. Vì lòng tham vốn vô hạn mà sức người vốn có hạn nên cần tỉnh táo để dừng lại, khước từ mọi cám dỗ của ngũ dục đồng thời chăm lo xây dựng, phát triển đời sống đạo đức, tinh thần và làm lợi ích cho tha nhân.

Giá trị của đời sống không chỉ là đầy đủ các phương tiện vật chất, thỏa mãn các tham vọng cá nhân, vun vén cho riêng mình. Lợi mình, lợi người, an ổn và lợi ích cho cả hai trong hiện tại và mai sau mới chính là giá trị sống đích thực của những người con Phật.