Bầy Rùa Nhỏ

Hạnh Đoan

Lúc còn bé bị trong nhà quản thúc ta thường bất bìnhSao mà người lớn nghiêm khắc vô lý thế?”. Ở cái tuổi 14-15, ta đã cảm thấy mình thông minh ghê lắm, dường như hiểu biết vượt trội hơn người (?), chỉ là ta im ỉm không khoe, không nói ra, bởi “Cao nhân bất lộ tướng” mà!

Có một bầy rùa đen ngụ tại hang núi hoang dã xa xôi.Cạnh đấy không xa có một đồng cỏ xanh mượt bao quanh hồ nước trong vắt.

Rùa đen thắc mắc, hỏi mẹ:

– Vì sao chúng ta không ở tại đồng cỏ trù phú phì nhiêu, có nước ngọt thức ngon, ngụ chi ở nơi heo hút buồn tẻ này?

Rùa mẹ đáp:

Không! Ngàn vạn lần các con chớ đi đến gần hồ, ngay cả trong mơ cũng không được nghĩ tới, biết chưa?

– Vì sao thế?

– Bởi vì cạnh hồ có thợ săn rình rập đợi sẵn, họ mà bắt được các con thì sẽ thịt ngay, còn lấy vỏ làm quà lưu niệm nữa.

Rùa đen càng lớn, rùa mẹ càng cấm tuyệt không cho chúng bén mảng đến gần hồ.

Nhưng đám rùa con thèm tới đó lắm.

Chúng bảo nhau:

– Chắc là không có thợ săn đáng sợ như mẹ mình nói đâu.

– Chúng mình lớn cả rồi, nếu như phát hiện là có thợ săn thì ta nhảy ngay xuống hồ trốn, họ làm sao mà bắt được?

– Đúng vậy! Đúng vậy! Vì sợ chút nguy hiểm cỏn con mà bỏ qua thú vui trước mắt, thế có uổng phí cuộc đời không chứ? Phải ra đấy mà ngắm cỏ xanh nước biếc chiêm ngưỡng cảnh đẹp chung quanh!

Bầy rùa con bàn bạc cả buổi, cuối cùng đồng quyết định ra hồ chơi. Chúng bò xuống khe núi, đi tới cạnh bờ hồ, lòng vô cùng thích thú. Nhớ lời mẹ, chúng cũng nhìn quanh quan sát, nhưng chẳng thấy có bóng dáng của mãnh thú hay kẻ thợ săn nào, thế là không cần cảnh giác, chúng vô tư đùa nghịch với nhau.

Đột nhiên từ trên không trung có một tấm lưới to chụp xuống, chúng lật đật bò ra, ai ngờ lưới bủa nhanh, nhốt cứng lũ rùa, càng lúc càng siết chặt, chỉ có một con trong lúc hoảng loạn đã nhanh chân lủi vào kẹt đất may mắn trốn thoát, về được tới hang.

Mẹ chúng nhìn thấy chỉ có con trai cả về, cuống quýt hỏi:

– Các con lén ra hồ chơi phải không? Sao chỉ có mình mày về thôi?

Rùa anh vừa thở hổn hển vừa nói:

– Mẹ ơi, chúng con lén ra hồ chơi, không thấy thợ săn, chỉ thấy mảng lưới to chụp xuống, các em con bị bắt đem đi hết rồi.

Rùa mẹ khóc rống lên:

– Chính thợ săn ra tay đấy, họ núp trên cây rình bắt các con mà. Chuyện này không phải là hôm nay mới xảy ra mà tận ngày xưa, từ đời ông sơ, ông cố, ông nội của các con kia. Do vậy mà tổ tiên giòng rùa nhà ta từng dặn nhau: phải trốn trong hẻm hóc hoang vu sinh sống, chớ có ham chỗ đẹp đẽ mà thiệt thân. Các con là đồ nhãi nhép ngốc nghếch, không chịu nghe lời mẹ dạy nên mới tự hại mình!

(Kể theo Truyện cổ dân gian)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Lúc còn bé bị trong nhà quản thúc ta thường bất bìnhSao mà người lớn nghiêm khắc vô lý thế?”. Ở cái tuổi 14-15, ta đã cảm thấy mình thông minh ghê lắm, dường như hiểu biết vượt trội hơn người (?), chỉ là ta im ỉm không khoe, không nói ra, bởi “Cao nhân bất lộ tướng” mà!

Song, người lớn phải thầm hiểu điều này chứ! Vậy mà họ không biết, lại coi thường nhắc nhở ta mãi đến phát bực, họ không lường được sự thông thái tuyệt vời của ta.

Những răn đe lo lắng của họ thật cổ lỗ sĩ, lạc hậu và hoàn toàn không phù hợp với thời đại của ta, một trào lưu văn minh, tiên tiến. Há chẳng nghe câu: “Con nít bây giờ khôn hơn ngày xưa sao?”…

Ta quên một điều, người lớn có tuổi đời cao hơn, có kinh nghiệm sống sâu hơn. Thậm chí có những con đường ta chưa đặt chân tới thì họ đã đi đến mòn lối. Họ biết nơi nào có vực thẳm, chỗ nào có ổ gà, họ mỏi miệng nhắc nhở cốt chỉ cho ta tránh, hòng thoát những tai nạn trong đời. Nhưng ta không hiểu và không biết được tầm quý giá của kinh nghiệm mà họ phải bỏ cả đời mới có được nó.

Vì vậy mà khi họ truyền trao bằng tất cả lòng yêu thương, ta đã thờ ơ ngoảnh mặt. Phật, Thánh răn dạy, lắm lúc ta còn hoài nghi thì huống nữa là con người? Rồi hôm nao ta nhận lãnh hậu quả của sự cãi lời: Ta bị nạn vì lái xe tốc độ cao, ta chấn thương nặng vì không đội nón bảo hiểm, ta bị người xem thường vì giao du phóng túng chẳng biết giữ mình nên chuốc lấy kết cục tủi nhục làm u ám tương lai…

Lúc này thì ta đúng là những chú rùa đen ngốc nghếch đã tự hại mình. Có hối thì đã muộn.

Vì thế, tốt nhất là ta nên trân trọng tiếp thu những lời dạy, những lời khuyên, những nhắc nhở xuất phát từ lòng thương vô bờ của các bậc trưởng thượng dành cho ta, những người đã yêu thương ta hết lòng, không muốn nhìn ta khổ, không muốn thấy ta bị nạn như họ đã từng nếm qua.

Nếu ta chịu nghe, chịu dùng trí phán đoán và áp dụng, ta sẽ cứu được mình và thoát khỏi những tai ương không đáng có.