Chim Và Người

Hạnh Đoan

Cây đào nhìn thấy một con chim bay tới, nó cất giọng ngọt ngào mời chào: – Này bạn, đào của tôi chín tới thơm lừng nè, hãy ghé vào mà ăn cho thỏa đi chứ! Chim mỉm cười: – Ồ không! Cảm ơn. Tôi phải bay lên tận đỉnh núi, trên ấy cũng có nhiều thức ăn lắm.

– Sao thế? Sao lại phải bay xa đến tận đỉnh núi trong khi gần bên miệng bạn đã có thức ngon? Bạn xem này! Tôi có gì không bằng cây trái trên núi? Đào của tôi ngon đáo để nhá! Cành nào cũng trĩu quả to, vừa bổ vừa ngon… lẽ nào bạn lại không thèm ăn mà cứ đòi bay lên núi cho mỏi nhừ đôi cánh?

Chim cười to:

– Anh bạn thật khéo nói! Nhưng tôi không có ngốc – Vì sao ư? Anh hãy nhìn kỹ mà xem, dưới chân anh cỏ mọc héo úa, xác côn trùng phơi đầy. Tôi không muốn số phận mình giống thế đâu!

Cây đào bật cười:

– Ôi chao! Anh khéo lo xa! Tôi nghe chủ vườn nói, ba cái thuốc trừ sâu diệt cỏ này đối với cây hoàn toàn vô hại, chỉ diệt côn trùng nhỏ thôi, chứ làm sao mà hại mạng anh được.

Chim bảo:

– Đã là chất độc thì đối với cỏ cây, côn trùng, người hay chim chóc gì đều có thể gây tổn hại, gieo ảnh hưởng xấu cả. Ngay cả đất ở đây cũng bị nhiễm độc rồi. Trông anh bề ngoài cành nhánh trĩu quả hấp dẫn vậy chứ thực chất bên trong trái đã bị nhiễm độc, tôi dại gì ăn? Thôi! Cứ để đấy cho con người hưởng, loài chim chúng tôi quý mạng sống của mình lắm. Nói thiệt nghe, ngay cả đậu trên mình anh để nghỉ ngơi, tôi còn không dám nữa là…

Nói xong, chim vỗ cánh bay thẳng.

Suốt mấy ngày, đào không ngừng réo gọi các loài chim ghé vào ăn trái ngon quả quý của nó, nhưng chẳng con nào chịu đậu lại. Năm tháng trôi qua, chủ vườn thu hoạch đã mấy mùa đào rồi, vậy mà không có bóng dáng con chim nào mò tới ăn trái, thậm chí đậu tạm một chút cũng không!

Cây đào ngộ ra một điều:

– Loài chim biết quý mạng sống hơn loài người, nó có tài phân biệt chất độc giỏi hơn con người.

(Kể theo Nhân sinh phương hướng của Lâm Thanh Huyền)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Hiện nay cây trái chúng ta ăn có màu sắc và  kích cỡ thật bắt mắt và quyến rũ.

Rất nhiều chủ nông trại trái cây lẫn các nhà trồng rau xanh đều thú nhận rằng vì muốn rau củ tươi tốt, trái quả to tròn, họ đã dùng rất nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ lẫn các hóa chất kích thích cây trái tăng trưởng. Tất nhiên, họ không hề ăn những rau quả này mà trồng riêng rau xanh, cây quả ở một góc trong khu vườn, không dùng đến thuốc kích thích hay hóa chất độc hại, thực phẩm lành này để dành cho gia đình ăn hoặc biếu tặng thân hữu.

Điều lạ lùng là tới mùa quả chín, chim chóc thường bu lại thưởng thức những trái quả không có chất độc này và hiếm khi bén mảng tới vùng cây trái có xài thuốc.

Chủ vườn không hề thông báo hay loan tin gì cho loài chim. Vậy mà chúng đều biết rõ khu vực cây trái nào vô hại và có hại.

Còn con người, dù ngay cổng vườn đã dán thông báo thật to, ghi hàng chữ thiệt bự: “TRÁI  ĐÃ XỊT THUỐC, KHÔNG NÊN HÁI ĂN”. Vậy mà người ta vẫn bất chấp, nhào vô hái trộm. Kể cả lúc mang trái ra chợ bán, quả nào nhờ xài thuốc kích thích nhiều, có hình dáng mập to, đẹp đẽ, bóng mướt… thì thiên hạ lại càng ưa chuộng, xúm xít mua.

Rõ ràng loài chim khôn hơn con người về mặt này, chúng biết phân biệt chất độc hại, biết quý tính mạng hơn loài người. Con người dù biết trái có xài hóa chất, đã bị xịt thuốc độc diệt cỏ diệt sâu, nhưng vẫn liều mạng ăn. Còn loài chim mà biết trái có độc thì bay né thiệt xa – thà chịu đói chứ nhất quyết không tới ăn.

Ai bảo loài vật kém thông minh hơn con người nào?