Ajahn Chah
CON TRÂU
Tư tưởng của chúng ta tùy thuộc vào pháp trần và bị pháp trần lôi kéo đến bất kỳ nơi nào mà chúng thích. Thật ra chẳng có pháp trần hay đối tượng giác quan nào có bản chất thật sự. Chúng đều là vô thường, khổ và trống không. Khi pháp trần khởi lên, hãy quán sát và theo dõi xem chúng đang làm gì. Theo dõi tâm chẳng khác nào chăn một con trâu trên đồng.
Người chăn trâu thả cho trâu đi lại tự nhiên, nhưng luôn luôn để ý canh chừng. Nếu trâu đi gần đến ruộng lúa, người chăn trâu sẽ quát lên một tiếng, thế là trâu sẽ thụt lùi lại ngay. Nếu trâu không nghe lời, người chăn trâu sẽ quất cho nó vài roi. Người chăn trâu không được lơ là bất cẩn, không được ngủ quên. Nếu y tham ngủ thì lúc thức dậy, lúa đã bị trâu ăn sạch. Tâm chẳng khác nào con trâu và lúa là các pháp trần. Người giác tỉnh là chủ nhân. Khi nhìn vào tâm, người giác tỉnh hiểu biết mọi sự. Họ biết rõ lúc tâm chiều theo pháp trần thì tâm sẽ như thế nào, và khi tâm không bị pháp trần chi phối, nó sẽ như thế nào? Quan sát và biết được tâm như vậy, trí tuệ sẽ phát sinh. Khi tâm gặp pháp trần, nó sẽ giữ chặt pháp trần đó như con trâu gặp lúa là ăn ngay. Bởi vậy, bất kỳ tâm đi đâu đều phải quan sát theo dõi nó. Khi tâm đến gần “ruộng lúa” pháp trần, hãy la nó ngay. Nếu nó không nghe, hãy quất cho nó vài roi.
GIẾNG NƯỚC VÀ VƯỜN CÂY ĂN TRÁI
Muốn tìm bình an trong thế gian này, bạn cần phải có nhiều nỗ lực. Chẳng khác nào việc đào giếng để lấy nước. Nước chảy ngầm dưới đất, nhưng bạn phải đào giếng mới lấy được. Hoặc như bạn đã có sẵn một vườn cây ăn trái, trái chín đầy cành, nhưng bạn phải hái mới được. Trái cây không thể tự động rơi vào miệng bạn.
KHÚC GỖ
Chúng ta không thể nào tách rời thiền định và thiền minh sát. Muốn quán sát phải có sự định tâm, và muốn định tâm cần phải có sự quán sát để hiểu rõ tâm. Muốn tách rời thiền định và thiền quán thì chẳng khác nào cầm ở giữa khúc gỗ nâng lên và chỉ muốn một đầu được nhấc lên thôi. Khi nhấc khúc gỗ lên thì cả hai đầu đều được nâng lên cùng một lúc. Ta không thể tách rời hai đầu khúc gỗ được. Trong việc hành thiền cũng vậy, bạn chẳng cần phải phân biệt đâu là thiền định và đâu là thiền quán, chỉ cần biết đây là sự thực hành pháp bảo, thế là đủ.
LẠC HƯỚNG
Nếu bạn không hiểu rõ chân lý của sự khổ và phương cách thoát khỏi khổ đau, thì bạn không thể nào có được Bát Chánh Đạo. Chánh đạo sẽ trở thành tà đạo: tà ngữ, tà nghiệp, tà định, v.v… Cũng giống như bạn muốn đi đến một ngôi làng nào đó. Bạn đi sai đường nhưng cảm thấy thoải mái, vì cảm thấy thoải mái nên bạn tiếp tục đi, nhưng kết quả là bạn sẽ không bao giờ đến được nơi mình muốn. Vì vậy, dù đường đi có thoải mái, thuận tiện cho bạn cách mấy đi nữa, bạn cũng sẽ không đến được nơi mình muốn đến.
Theo: Chỉ là một cội cây thôi
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Trần Minh Tài