Thuở xưa có một vị tỳ-kheo đã chứng đắc lục thần thông, cùng sống với một chú sa-di. Ngài nhập định quán xét thấy chú sa-di ấy chỉ trong bảy ngày nữa ắt phải chết, liền bảo chú về quê thăm cha mẹ, đến ngày thứ tám hãy trở lại chùa, ý muốn cho chú sa-di ấy được chết tại quê nhà.
Không ngờ đúng ngày thứ tám chú sa-di vẫn còn sống trở lại chùa.
Vị tỳ-kheo liền nhập định quán sát nguyên do, mới biết chú sa-di lúc đang trên đường về quê bỗng gặp một tổ kiến sắp bị nước dâng tràn vào, lập tức cởi áo cà-sa đắp chặn xung quanh để cứu, nhờ đó mà cả đàn kiến được thoát chết. Nhờ việc này mà chú sa-di chẳng những không chết yểu, về sau lại sống thọ đến 80 tuổi, chứng quả A-la-hán.
Trong kinh dạy rằng: “Người không giết hại thì được quả báo sống lâu.” Xem như câu chuyện của chú sa-di này thì càng tin sâu lời ấy.
Cứu cá được thoát tội
Vào đời Đường, ở quận Ngụy Châu có người tên Mã Gia Vận. Vào mùa xuân niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu, Mã Gia Vận bỗng nhiên nhìn thấy có hai người cưỡi ngựa đến đón mình, ngay khi đó liền ngã lăn ra chết. Khi ấy, Gia Vận thấy mình được đưa đến gặp chủ nhân của bọn họ, tức là Đông Hải Công. Vị này có ý mời ông giữ chức quan Ký thất. Mã Gia Vận từ chối, viện lẽ mình học vấn kém cỏi. Đông Hải Công cố nài ép, ông liền tiến cử một văn sĩ là Trần Tử Lương thay mình. Mã Gia Vận sau đó liền được sống lại, còn Trần Tử Lương đột nhiên ngã lăn ra chết.
Một hôm, Mã Gia Vận cùng đi với một người bạn, bỗng nhiên nhìn lên không trung dáng vẻ kinh sợ. Người bạn thấy vậy gạn hỏi, ông liền nói: “Tôi nhìn thấy sứ giả của Đông Hải Công đang đến Ích Châu bắt người. Sứ giả bảo tôi rằng Trần Tử Lương đã hết lời tố cáo anh, nên xem ra anh đã gần như không thể thoát tội. Nhưng trước đây khi ở đất Thục, anh có lần nhìn thấy cá trong hồ sắp bị bắt giết liền bỏ ra mười tấm lụa để cứu chúng. Nhờ việc ấy nên vừa rồi anh không bị bắt.”
Về sau, Mã Gia Vận làm thầy dạy học trong trường Quốc tử giám cho đến cuối đời.
Khi vua Đường Thái Tông ngự tại cung Cửu Thành có nghe biết việc này, liền sai quan Thị lang Sầm Văn Bản đến hỏi, nhờ đó mới biết rõ.