Lời dẫn: Thương và ghét ở đời cách nhau thật mong manh, chẳng phải người thế gian thương tức là ghét, ghét tức là thương; thương-ghét luôn xoay vần không dừng. Chúng tôi nói nghĩa rộng là luân hồi sinh tử. Tất cả chúng sinh bị luân hồi sinh tử, phần đông đều do thương-ghét mà ra, tạo nghiệp thiện-ác mà chịu quả báo thiện-ác; đồng thời báo thù lẫn nhau, đòi nợ vẫn nợ, cho nên mới có luân hồi. Khổ báo vô cùng cũng là thương-ghét đưa đến.
Ngày xưa có một đôi chim bồ câu rất thương yêu nhau, cùng sống chung nhau trên cành cây cổ thụ xanh tươi. Hàng ngày, chúng nó bay đi tìm thức ăn, tối về cùng ngủ chung, như bóng không rời hình, thương yêu chân thành. Vào buổi chiều, chúng nó thường đậu trên mái nhà, ánh nắng hoàng hôn chiếu lên bộ lông chúng nó chiếu sáng lấp lánh đẹp vô cùng.
Hai con chim sống với nhau rất vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; có lúc chúng nó thể hiện tình cảm ra ngoài. Khi đậu trên cành cây, chim trống thường đậu sát vào chim mái âu yếm rỉa lông. Có những người nhìn thấy như vậy, đều trầm trồ khen ngợi nói: “Chim bồ câu là loài gia cầm mà chúng nó còn biết thương yêu nhau. Con người là tối linh trong muôn vật, vì sao chỉ biết lợi cá nhân mình mà tranh giành, giết hại lẫn nhau, không biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cuộc sống được an vui?” Thế gian này có mấy người yêu nhau trong sáng và chân thật? Tình yêu ở thế gian thường xảy ra “yêu quá sinh hận”, “tức nước vỡ bờ”, “vui quá sinh buồn”. Đôi chim bồ câu cũng không ngoại lệ.
Mùa hè năm đó, đến mùa lúa chín vàng rực. Trong lúc, những người nông dân bận rộn thu hoạch mùa màng. Đôi chim bồ câu cũng vất vả đi tha từng gié lúa sót lại trên ruộng đem về tổ, chuẩn bị lương thực cho mùa đông để không còn lo hàng ngày đi tìm thức ăn. Cả hai con đều nỗ lực làm việc, chỉ vài ngày tổ của chúng đầy ắp lương thực.
Một hôm, cả hai con đều bay ra ngoài, bỗng chim mái một mình bay về, cẩn thận xem lúa trong ổ. Vài ngày sau, vì thời tiết nóng bức làm cho lúa trong ổ khô héo xẹp ít lại. Chim trống thấy như vậy sinh nghi ngờ, cho rằng chim mái ăn lén; hoặc tha đi chỗ khác. Vì thế, chim trống càng nghĩ càng tức giận, liền nói với chim mái:
– Chúng ta cực khổ cùng đi nhặt lúa tha về, cô lại lén tha đi đâu?
Chim mái đáp:
– Chàng nói gì kỳ vậy? Thiếp không có.
– Không có, vì sao lúa còn ít như thế? Lẽ nào ta tha đi nơi khác? Cô thường bay về một mình làm gì?
– Vì thiếp không yên tâm lúa ở trong ổ nên bay về xem thử.
– Cô nói dối! Rõ ràng cô lén tha lúa đi nơi khác.
– Tại sao chàng lại nói oan cho thiếp như vậy? Thiếp lại cho rằng chàng lén tha lúa đi thì đúng hơn.
Do đó, hai con cãi nhau chí chóe. Chim trống nổi điên ra sức mổ rất mạnh, chim mái chết ngay lập tức. Chim mái chết rồi, nó còn nói: “Thật đáng kiếp! Mày dám phản bội lại tao”.
Vài ngày sau, thời tiết chuyển mùa, trời lạnh và mưa liên tục. Lúa trong ổ lại tươi, phình to trở lại, lúa vẫn nhiều như trước đây. Chim trống thấy sự việc như vậy, nó vô cùng hối hận nói: “Ta đã nghi oan cho nàng. Hóa ra, gié lúa bị trời nóng khô héo giảm ít lại, ta không chịu xem xét kỹ, ta lại giết chết nàng. Tội ta đáng chết! Ta thật đáng chết”. Chim trống quá đau buồn nên nó chết theo chim mái.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Con người thường là “vui quá sinh buồn”. Tình yêu cũng thường biến thành thù hận. Cuộc sống luôn đi đôi hai mặt: đúng-sai, khổ-vui, thương-ghét, yêu-hận, vận tốt-vận xấu, thành công-thất bại, giàu sang-nghèo hèn đều luôn xoay vần con người. Vì sao như thế? Lẽ nào “tạo hóa trêu ngươi”. Ông trời không ban cho con người hạnh phúc, an vui mà cố ý làm cho họ nếm mùi đau khổ chăng?
Con người được hạnh phúc là có cơm ăn, áo mặc, nhà ở yên ổn. Nhưng khi ăn ngon, mặc đẹp họ lại thích sống đua đòi phung phí, quên đi lúc cực khổ. Có người còn tạo các ác nghiệp như giết người cướp của, mại dâm, rượu chè be bét, cờ bạc. Cổ đức dạy: “Con người khi no ấm, lại nghĩ đến chuyện sinh hoạt tình dục. Nghèo đói sinh tâm tham”. Đây là căn tính thấp hèn của con người, cho nên bị trời phạt.
Kỳ thật, nhân quả tuần hoàn, xoay chuyển nghiệp thiện-ác từ đời quá khứ, nhiều đời nhiều kiếp đến nay vô lượng vô biên. Nếu như chúng ta tinh tiến sám hối, phát thiện tâm, cũng có liên quan phúc nghiệp đời quá khứ. Sống phung phí, sát sinh, trộm cướp, cúng tế cũng có liên quan ác nghiệp từ quá khứ đưa đến; cho nên có báo ứng đời nay; thương-ghét, yêu-hận cũng lại như vậy. Cho nên, lúc nào chúng ta cũng khởi thiện tâm thì được phước báo vô lượng tu tập thì sinh tâm từ bi, phát khởi trí tuệ thì phước báo tương lai nhiều đời nhiều kiếp hưởng mãi không hết.