Gõ Cửa Thiền – Tri Kỷ

Ngày xưa, ở Trung Hoa có hai người bạn, một người rất giỏi chơi đàn và một người rất giỏi nghe đàn.

Khi người đàn giỏi gẩy đàn hay ca lên một khúc nhạc về núi non, người kia liền nói: “Tôi hình dung được ngọn núi ấy trước mắt chúng ta.”

Và khi người ấy diễn đạt về suối nước, người kia liền kêu lên: “Kìa là dòng nước đang tuôn chảy!”

Nhưng rồi người giỏi nghe đàn mắc bệnh qua đời. Người bạn kia liền cắt đứt dây đàn và không bao giờ chơi đàn nữa!

Từ đó, việc cắt đứt dây đàn luôn được xem là biểu hiện của (sự chấm dứt) một tình bạn thân thiết.

Viết sau khi dịch

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu! Câu chuyện cảm động về tình bạn tri âm tri k giữa Bá Nha với Tử Kỳ là một trong những câu chuyện mà hầu hết người Á Đông đều biết. Nhưng điểm nổi bật nhất trong tình bạn của họ lại cũng không có gì đặc biệt ngoài hai chữ “hiểu nhau”. Khi người ta chơi đàn, họ cần có người biết nghe! Dù chỉ đàn cho một người biết nghe cũng đã là quá đủ, nhưng nếu có cả trăm người nghe mà rơi vào cảnh “đàn gẩy tai trâu” thì cũng không một nghệ sĩ nào có thể tìm được cảm hứng!

Ngày xưa đức Thế Tôn đưa lên cành hoa chỉ có một mình ngài Ca-diếp nhận biết, nhưng từ đó cốt tủy của thiền đã được truyền mãi về sau không đứt đoạn. Vì thế, pháp hội Linh Sơn chỉ có một Ca-diếp đã là quá đủ, nhưng giá như không có ngài thì có lẽ muôn vạn thính chúng cũng vẫn là còn thiếu!

Nguồn:thuvienhoasen.org