Ni Sư Hạnh Đạo Chủng Hoa

Personal Information

Danh Tánh
Ni Sư Hạnh Đạo Chủng Hoa - Ðời Thứ 42 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 9 Dòng Lâm Tế Chúc Thánh
Gender ♀️ Female
Person ID 45271
Last Modified 2023-06-20 17:50:56

Hành Trạng

Additional Info

Ni Sư Hạnh Đạo Chủng Hoa
(1943 - 2007)
Trụ Trì Chùa Hòa Quang - Duy Xuyên

Ni sư Thích Nữ Hạnh Đạo, pháp hiệu Chủng Hoa, nối pháp đời 42 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh, thế danh Phạm Thị Oanh, sinh ngày 20 tháng 2 năm Quý Mùi (1943) tại làng Phú Nham Đông, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Ni sư là cụ ông Phạm Hưng Soán, pháp danh Thị Hòa và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chút pháp danh Như Y. Ni sư là người con út trong gia đình có 5 anh chị.
Được sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo nên Ni sư sớm hấp thụ giáo lý Phật Đà. Tuổi ấu thơ, Ni sư đã được song thân đưa về tổ đình Long Tuyền - Hội An quy y với Hòa thượng thượng Chơn hạ Phát và được Hòa thượng cho pháp danh là Như Tiến.
Đến năm Giáp Thìn (1964), chí xuất trần phát khởi, nhân duyên xuất gia hội đủ, Ni sư đã được Hòa thượng Bổn sư gởi về tu học tại chùa Bảo Thắng - trụ sở của Ni bộ Quảng Nam lúc bấy giờ. Tại đây, Ni sư được Ni trưởng thượng Như hạ Hường nhận làm đệ tử và làm lễ thế độ vào ngày 20 tháng 4 cùng năm.
Sau 3 năm cùng chúng theo thầy học tập kinh luật, Ni sư được nhị vị Ni trưởng cho thọ Sa Di giới tại chùa Bảo Quang-Đà Nẵng vào năm Đinh Mùi (1967) do Sư bà Đàm Minh làm Đàn Đầu truyền giới.
Từ năm 1970 đến 1972 Ni sư theo học tại Ni viện Diệu Đức - Huế.
Năm 1971, Ni sư thọ giới Thức Xoa Ma Na tại chùa Bảo Quang - Đà Nẵng do Sư Bà Đàm Minh làm Đàn đầu truyền giới.
Đến khoảng giữa năm 1972, vì lý do chiến tranh ngày càng khốc liệt, Ni sư và một số ni sinh được chư tôn túc chuyển vào Sài Gòn tu học tại Ni trường Dược Sư.
Đầu năm Ất Mão (1975), Ni sư được Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ Kheo Ni giới ở đại giới đàn Hòa Bình tại chùa Từ Nghiêm - Sài Gòn do Ni trưởng Thích Nữ Như Chí, lúc bấy giờ là Vụ trưởng Ni bộ Bắc Tông Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất làm Đàn đầu truyền giới.
Sau khi đất nước thống nhất, Ni sư về lại chùa Bảo Thắng, sinh hoạt và học tập dưới sự chỉ dẫn của nhị vị Ni trưởng.
Giữa năm Bính Thìn (1976), vì nhu cầu Phật sự và thể theo yêu cầu của đạo hữu Phật tử địa phương, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã cử Ni sư về đảm nhận trú trì chùa Hòa Quang, nơi quê hương sanh trưởng của mình.
Từ những ngày đầu trở về ngôi chùa quê hương với bao khó khăn chồng chất, chùa chiền bị chiến tranh làm hư hoại gần như toàn bộ, Ni sư đã không ngại khó nhọc, vượt qua mọi thử thách chướng duyên để tái tạo ngôi chùa Hòa Quang này tạm bằng vách phên tre, lợp tôn đơn sơ đủ để có nơi thờ Phật, còn tăng xá ở và nơi sinh hoạt của Phật tử chỉ làm bằng tranh tre vách đất.
Năm Quý Hợi (1983), nhận thấy chùa ngày càng xuống cấp trầm trọng, Ni sư đã phát nguyện trùng tu ngôi chánh điện. Công việc trùng tu kéo dài đến cuối năm 1983 mới hoàn tất nhưng cũng rất khiêm tốn theo điều kiện cho phép lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, Ni sư dần dần xây dựng đông xá, tây đường để Ni chúng có điều kiện tu học.
Năm Đinh Sửu (1997), do tách tỉnh theo đơn vị hành chính, Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Nam được thành lập, Ni sư được mời làm thành viên Ban trị sự, nhiệm kỳ I (1997-2001) và nhiệm kỳ II (2002-2007) đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Duy Xuyên nhiệm kỳ I từ năm 1997 đến năm 2001.
Giới đức trang nghiêm, Ni sư đã được cung thỉnh làm dẫn thỉnh sư tại đại giới đàn Minh Giác năm Canh Thìn (2000) và đệ ngũ tôn chứng đại giới đàn Ân Triêm năm Giáp Thân (2004) do Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam tổ chức.
Năm Tân Tỵ (2001), nhận thấy chánh điện chùa lại xuống cấp, Ni sư phát nguyện đại trùng tu toàn bộ. Lần trùng tu này có tính cách quy mô nên đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Với điều kiện hạn chế của địa phương nên Ni sư không quản ngại khó khăn, đi khắp nơi để xin sự hảo tâm giúp đỡ của Phật tử ở các tỉnh thành trong nước. Được sự thương tưởng của Hòa thượng Thích Như Huệ viện chủ chùa Pháp Hoa-Nam Úc và Thượng tọa Thích Như Điển trụ trì chùa Viên Giác-Đức quốc, Ni sư đã đến Úc năm 2004 và đến Đức năm 2005 để thăm viếng và vận động tài chánh cho việc trùng tu.
Công việc trùng tu còn đang dang dở thì Ni sư lâm bệnh, nhưng tâm nguyện Sư vẫn kiên định và lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 27 tháng 2 năm Bính Tuất (tức 28/3/2006) trong niềm hân hoan của chư tôn đức và toàn thể Phật tử gần xa.
Tuy nhiên sau hơn một năm, bệnh cũ của Ni sư lại tái phát ngày một trầm trọng, mặc dù đã được môn đồ tận tình chữa chạy nhưng vẫn không qua khỏi. Ni sư đã xả bỏ huyễn thân vào lúc 20 giờ 50 phút ngày 14 tháng 8 năm Đinh Hợi, nhằm ngày 24/9/2007 hưởng thọ 65 tuổi với 32 hạ lạp.
Sáu chục năm dư, trần thế rong chơi, hiểu thấu lý sắc không, vào ra tự tại.
Ba mươi năm lẻ, thiền môn tu dưỡng, rõ ràng điều chân huyễn, đi đứng thong dong.
Ni sư Thích Nữ Hạnh Đạo là thế hệ thứ 2 của Ni bộ Quảng Nam Đà Nẵng và cũng là một trong những vị Ni sư ưu tú của tỉnh nhà. Trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, Ni sư đã thể hiện được tinh thần cao quý của Tôn giả Phú Lâu Na. Từ những ngày đầu về hành đạo tại Duy Sơn, Ni sư đã chịu đựng biết bao nhiêu gian khó do ngoại duyên đem đến. Tuy nhiên với tinh thần phụng sự đạo pháp cao nên Ni sư đã khôn khéo, kiên nhẫn vượt thắng chướng duyên để duy trì, phát huy và củng cố tinh thần của người Phật tử tại đây. Từ một ngôi chùa đổ nát bởi chiến tranh, Ni sư đã kiến tạo chùa Hòa Quang thành một Phạm Vũ trang nghiêm để làm nơi tu học cho Ni chúng. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của Ni sư, phần lớn các huynh trưởng đoàn sinh từ chùa Hòa Quang đi xuất gia có trên 50 vị và hàng đệ tử thế độ của Ni sư khoảng 20 vị. Tuy rằng Ni sư đã không còn hiện diện nơi cõi Ta Bà nhưng những gì Ni sư đã làm sẽ mãi ghi vào dòng sử của Phật giáo Quảng Nam nói chung và Ni bộ Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.