Hòa thượng thế danh Hữu Nhiêm, pháp danh Suddhamma Paĩĩă (Tuệ Thiện Pháp), sinh năm 1917 tại thôn Trâu Trắng, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Minh Hải, trong một gia đình có truyền thống tu học thuộc cộng đồng Phật giáo Khmer Nam bộ. Thân phụ Ngài là ông Hữu Nghét, thân mẫu là bà Danh Thị Sóc.
Vì vậy, thuở thiếu thời, Ngài đã sớm quen với các tập tục lễ nghi và cách sống của nếp đạo, thường xuyên đến các chùa chung quanh vùng để lễ bái, đọc kinh và học tiếng Khmer với các vị sư tại những nơi đó.
Do gia đình thuộc thành phần nông dân tay lấm chân bùn, Ngài không tránh khỏi quãng thời gian nhọc nhằn, sớm khuya cùng cha mẹ quần quật với ruộng đồng, hết sức cơ cực. Nhưng nhờ thiện căn đã sẵn ươm mầm nơi đất đạo, nên Ngài nhanh chóng phát hiện ra chân lý và đối chiếu với thực tại cuộc sống Sinh – Già – Bệnh – Chết, nên ý chí tìm cầu giác ngộ giải thoát càng thêm được củng cố vững chắc.
Thuận duyên đến lúc tuổi thiếu niên đầy sinh lực, Ngài đã vượt qua được những cám dỗ đời thường mà rất ít người có được ở ngay giữa tuổi 19. Đó là năm Ất Hợi 1935 tại chùa Trâu Trắng quê nhà, Ngài đã thực thụ trở thành một người xuất gia. Một bước ngoặt mới đầy ý nghĩa trong cuộc đời Ngài.
Ít lâu sau khi xuất gia, Ngài đã lãnh hội đầy đủ những kiến thức Phật học cơ bản cần có ở một vị Sa môn. Vì vậy năm 1938 sau khi thọ Cụ Túc giới, Ngài nhận chức trụ trì chùa Trâu Trắng do Phật tử nơi này thiết tha thỉnh cầu.
Thời gian làm trụ trì chùa Trâu Trắng, Ngài đã hướng dẫn Phật tử người Việt gốc Khmer tu tập theo thời khóa nhất định. Ngài mở ngay tại chùa các lớp dạy chữ Quốc ngữ lẫn Khmer để thế hệ mai sau có cơ duyên tiếp cận và tham cứu các tạng kinh điển từ nhiều hướng. Riêng bản thân Ngài, ngoài việc tiếp tục trau giồi phẩm hạnh, bồi nạp năng lực phước duyên, Ngài bắt đầu làm quen với tạng kinh Pàli và tìm mời các vị thầy giỏi về tạng ngữ ấy về dạy.
Năm 1945, là thời điểm đất nước đang sôi sục đấu tranh chống thực dân xâm lược. Từ nơi mái chùa Trâu Trắng, Ngài bắt đầu tiếp xúc, làm quen với nhiều cán bộ trong Mặt Trận Việt Minh. Từ đó, Ngài tiếp tế, che giấu không ít cán bộ chiến sĩ vào địa bàn tỉnh Minh Hải hoạt động.
Năm 1947, Ngài được bầu làm Ủy viên Mặt trận tỉnh Rạch Giá, phụ trách Tăng sĩ Phật giáo Khmer, Theravàda Nam bộ.
Từ đây, thời giờ của Ngài dành cho Phật sự và hoạt động kháng Pháp sao cho chu đáo cả đôi bên. Ngài dành ra nhiều thời gian để đi đến tận nơi có Tăng sĩ Khmer để vận động và khuyên nhủ sách tấn tu học. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người Việt gốc Khmer có tín ngưỡng Phật giáo thuần túy cho công cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Năm 1964, khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập, Ngài được cử giữ chức Phó Chủ Tịch.
Do địa bàn thiên nhiên sông rạch chằng chịt, tràm đước đan xen, nên mọi dấu chân hoạt động của Ngài cũng được khuất lấp. Mật thám Pháp lẫn Mỹ sau này không còn cách nào hơn là liên tục dội bom thẳng xuống mái chùa Trâu Trắng, nơi Ngài trụ trì và tu học. Và lần dội bom cuối cùng chùa Trâu Trắng đã hoàn toàn tan hoang, kể cả nền đất cũng không còn.
Ngài phải hoạt động và tá túc từ chùa này đến chùa khác còn lại trong địa bàn. Đôi khi Ngài phải lánh mặt sang tận Campuchia. Có thể nói Ngài là một trong rất ít vị Hòa thượng gốc Khmer vừa hoạt động Cách Mạng nhiệt tình vừa dành trọn thời khóa để tu học một cách vẹn toàn.
Ngày 7 tháng 10 năm 1966 trên đường lưu trú, Ngài ghé lại chùa Nhà Máy (thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải ngày nay). Máy bay Mỹ sau đợt càn quét chung quanh các cánh rừng tràm, đã không bỏ sót ngôi chùa này, dội bom nhiều đợt, thiêu hủy hoàn toàn chùa Nhà Máy. Không một người sống sót, trong đó có Hòa thượng Hữu Nhiêm.
Trước Ngài là Hòa thượng Tăng Nê (1965) cũng có cái chết tương tự đã ghi đậm trong lòng biết bao đồng bào Phật tử người Việt gốc Khmer nơi vùng Tây Nam bộ, niềm nuối tiếc, xót xa về một công dân sớm nhận lấy trách nhiệm cứu nước đồng thời là một tu sĩ thực hành hạnh nguyện giải thoát lợi tha.