Hòa thượng Thích Phước Ninh, pháp danh Thị Niệm, pháp tự Hành Đạo, pháp hiệu Phước Ninh, nối pháp dòng Lâm Tế – Chúc Thánh đời thứ 42. Ngài thế danh là Hồ Văn Kỷ, sinh Ất Mẹo 1915, tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Trong một gia đình trung nông, nề nếp Nho phong, có lòng kính tin Phật pháp, thân phụ là ông Hồ Văn Tửu, thân mẫu là bà Lê Thị Bật.
Năm Bính Dần (1926), khi đã đúng 12 tuổi, Ngài được song thân chấp thuận và đích thân đưa đến cầu xuất gia tu học với Tổ Thiền Phương tại Tổ đình Phước Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài đã nhanh chóng hội nhập nếp sống thiền gia, từ công việc chấp tác cho đến những giờ giấc tu học, Ngài luôn giữ thời khóa rất nghiêm mật, nên được Bổn sư cảm khái và đồng môn quý mến.
Năm Tân Mùi (1931) khi đã được 17 tuổi, Bổn sư cho Ngài vào tòng học tại Phật học đường Gia giáo Tây Thiên (tỉnh Ninh Thuận) do Hòa thượng Trí Thắng và Hòa thượng Phúc Hộ trực tiếp giảng dạy.
Năm Ất Hợi (1935) Ngài trở về Phú Yên tiếp tục tham học giáo pháp tại chùa Bảo Sơn, huyện Tuy An. Nơi này do Hòa thượng Phúc Hộ chuyên phần chủ giảng về giới luật.
Năm Canh Thìn (1940), Ngài được Tổ Thiền Phương cho thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Thái Nguyên, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Bình Trưng, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh).
Năm Đinh Hợi (1947), lúc này Ngài đã 28 tuổi, được Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn, huyện Tuy An do Hòa thượng Vạn Ân làm Đường đầu truyền giới.
Từ năm Ất Dậu (1945) đến năm Giáp Ngọ (1954), trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngài tích cực tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Phú Yên và được cử giữ chức vụ Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc huyện Đồng Xuân.
Từ năm Bính Thân (1956) cho đến năm Quý Mão (1963), Ngài được chư tôn đức đề cử giữ chức Hội trưởng Phật giáo huyện Tuy An.
Năm Đinh Dậu (1957), Ngài được đề cử trụ trì Tổ đình Bảo Sơn, thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An. Trước đó, Ngài cũng được Giáo hội Tăng Già tỉnh Phú Yên tiến cử trụ trì chùa Linh Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu; kế đó là chùa Trường Gia, thôn Chí Thạnh, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Năm Tân Sửu (1961), Ngài vận động thiện tín khắp nơi ủng hộ trùng tu Tổ đình Bảo Sơn thành ngôi bảo tự uy nghiêm tráng lệ cho đến ngày nay.
Năm Mậu Thân (1968), do ảnh hưởng của chiến tranh, các đệ tử thỉnh cầu Ngài tạm rời khỏi Tổ đình để theo bước tản cư lánh nạn, Ngài được chư huynh đệ đồng môn thỉnh vào trú xứ nơi đất Sài Gòn. Nơi đây nhờ nhân duyên kết tụ, Ngài khai sơn chùa Từ Phong tại xã An Khánh, quận 9, Sài Gòn (nay là quận 2, thành phố Hồ Chí Minh). Không lâu sau đó chiến sự lắng yên, Ngài trở về lại Tổ đình Bảo Sơn, phó chúc cho đệ tử là Ni sư Tịnh Giám thay mặt Ngài trụ trì chùa Từ Phong.
Năm Nhâm Tý (1972), Ngài đã góp phần thực hiện nhiều nhiệm vụ hoằng hóa của Giáo hội Phật giáo tại tỉnh nhà, song song với công việc hướng dẫn Tăng chúng và Phật tử tu học.
Năm Nhâm Tuất (1982), sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được cử trụ trì chùa Bảo Tịnh thuộc phường 3, thị xã Tuy Hòa, đây còn là văn phòng của Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên. Ngài còn được Tỉnh Giáo hội cử giữ chức Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy An, trụ trì tại chùa Cảnh Phước cho đến ngày viên tịch tại đây.
Cho đến khi cuối đời, Ngài luôn sống vị tha, dung dị, lúc nào cũng ân cần với người lầm lỗi, luôn giúp đỡ kẻ sa cơ, nghèo khó; bản thân Ngài vẫn hành theo ý niệm Thiểu dục Tri túc trong sinh hoạt hằng ngày.
Ngày 20 tháng 4 năm Giáp Tuất, nhằm ngày 30 tháng 5 năm 1994, Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Cảnh Phước, trụ thế 79 tuổi đời và có 47 Hạ lạp. Ngài là vị Tổ trụ trì đời thứ 6 của Tổ đình Bảo Sơn.