Hòa thượng Thích Thiện Quảng, người mang họ Trần, không rõ tên thật, sinh tại Bến Tre năm Nhâm Tuất (1862) trong một gia đình thuộc hàng trung phú. Thuở ấu thơ, Ngài đã sớm được song thân đặc biệt tin yêu, đặt nhiều kỳ vọng nên đã mời các thầy đồ đến tận nhà trực tiếp chăm lo việc giáo dục học hành và luyện võ nghệ như bất cứ một gia đình có đầy đủ điều kiện khác. Đặc biệt hơn, do song thân có nếp sống đạo hạnh, luôn giúp đỡ mọi người, hòa ái với xóm giềng nên những đức tính cao đẹp đó cũng đã sớm truyền sang nơi Ngài, khiến song thân càng yêu quý hơn.
Năm Nhâm Ngọ (1882), trải qua bao biến thiên thời cuộc, Ngài đã trưởng thành theo bao nhận thức thực tại và qua bao lần trì hoãn ước vọng của song thân, nhất là khi mẫu thân tạ thế, Ngài đành thuận ý phụ thân lập gia đình. Năm đó Ngài vừa tròn hai mươi tuổi.
Năm Ất Dậu (1885), khi phụ thân qua đời, Ngài chăm lo phụng thờ đúng đạo nghĩa cư tang hết mực. Sau đó Ngài thu xếp việc gia đình, giã từ cất bước ra đi thực hiện chí nguyện xuất gia hằng ấp ủ từ thuở ấu thơ của mình. Năm ấy Ngài hai mươi ba tuổi.
Để tránh sự dòm ngó của các thế lực thực dân gây khó dễ trong quá trình tu hành, Ngài tìm sâu vào chốn yên ả có rừng cây vây quanh, tự nỗ lực thực hiện chí nguyện của mình một cách dõng mãnh. Chỉ một thời gian ngắn, Ngài đã tạo được sự thăng bằng tự tại bản thân, uy đức đã được nhiều người biết và tìm đến xin làm đệ tử hoặc giúp đỡ mọi mặt để tạo thuận duyên cho Ngài vững vàng thêm ý chí.
Năm Ất Mùi (1895), trải qua mười năm tu hành tinh tấn, đạo lực đã ngày thêm kiên cố, từ đó Ngài nuôi ước nguyện mong có ngày đến được nơi đất Phật chiêm bái, trước là để đền ơn Tam bảo, sau nữa là nương thừa chứng tích nguồn cội cho đường tu thêm vững vàng viên mãn. Ngay từ lúc vừa phát khởi tâm nguyện đó, Ngài bắt đầu thực hiện trước mắt hạnh tu khắc khổ như một Đầu đà; từ nay không dùng đến tiền bạc, không ăn cơm mà chỉ ăn toàn rau. Lúc đầu ngày ba bữa dần dà chỉ còn ngày một bữa mỗi bữa chỉ hai tô rau luộc.
Năm Mậu Tuất (1898), đúng ba năm sau, lượng sức mình đã sẵn sàng và nhân duyên tương hợp đầy đủ, Ngài được các đệ tử chu toàn mọi mặt cho chuyến khởi hành sang đất Phật bằng đường thủy với một chiếc thuyền hai cột buồm lớn và lương thực dự trữ mang theo là rau quả, thức uống. Thuyền Ngài ra khơi khi mùa gió nồm Nam đã bắt đầu.
Sau gần ba ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông thì gió lớn sóng to ập đến, đẩy con thuyền Ngài trôi dạt vào bờ biển Nam Thái Lan. Đành tạm dừng chân chờ sóng yên gió lặng sẽ tiếp tục cuộc hải trình. Trong những ngày này khi người dân Thái biết được Ngài là bậc chân tu, nhất là khi rõ thêm những đức hạnh không sử dụng tiền bạc và ăn toàn rau trái, Ngài được tiếp đãi trọng thị đầy tôn kính.
Tiếng lành lan nhanh xa rộng và như không hẹn mà gặp, vì ở đất nước này hiện đang diễn ra một sự kiện lớn là Tổng đốc Ấn Độ M.Curson đem tặng cho Thái Lan một hủ đựng Xá lợi Phật vừa được tìm thấy nơi một ngôi tháp cổ; các phái đoàn Chính phủ các nước Nhật Bản, Tích Lan, Miến Điện hiện cũng đang có mặt để xin Chính phủ Thái chia bớt ngọc Xá lợi Phật; đồng thời đang háo hức xây dựng tháp Kim Sơn (Phu-Khản-Thoong) trong chùa Sa-Kệt ở Băng Cốc để tôn thờ theo lệnh của nhà vua… Do đó, sự có mặt của Ngài khiến người dân Thái cho là một ấn tượng linh thiêng trùng hợp, nên thỉnh Ngài đến ra mắt vua Chu-La-Long-Kon, tức triều đại Ra-Ma V (1868-1910) và đã được vua tỏ lòng kính mộ, cho truyền xây cất chùa riêng để mời Ngài ở lại tu hành.
Trước sự ưu ái đó của nhà vua và tấm thạnh tình của người dân Thái, Ngài không nỡ chối từ, nhưng không vì thế mà ước nguyện sang Ấn Độ của Ngài cũng dừng lại. Chính vì vậy nhà vua chỉ thuận lòng cho Ngài tiếp tục cuộc hành hương sang đất Ấn Độ khi Ngài đã hứa rằng sẽ trở lại đất Thái tiếp tục trụ trì tu hành, vì đây là nơi mà “duyên Phật” đã đưa Ngài đến. Ngài đã ở lại đất Thái được ba năm, thời gian đó cũng đủ để tạo thế thuận duyên hỗ trợ việc hoằng đạo cho Phật giáo Thái Lan.
Năm Tân Sửu (1901) Ngài bắt đầu tiếp tục cuộc hành trình. Lần này nhờ sự giúp đỡ của ba Phật tử người Miến Điện làm hướng đạo và các sự giúp đỡ khác của nhà vua cùng nhân dân Thái, Ngài đi bằng đường bộ, rẽ lên Miến Điện và qua ngõ Tây Tạng để vào đất Ấn Độ. Nhờ vậy đoạn đường đi được rút ngắn đáng kể và đỡ tốn sức lực.
Trong vòng năm tháng ở Ấn Độ, Ngài đi chiêm bái các Phật tích khắp nơi với lòng chân thành hướng về đấng Giác ngộ đã một thời hằn dấu. Có những nơi đã trở thành phế tích do chinh chiến Hồi giáo tàn phá; do sự thờ ơ của chính quyền thực dân thống trị mà cho đến lúc này Ngài mới hiểu hết vì sao hũ Xá Lợi Phật vô giá lại được Tổng đốc Ấn Độ (người Anh) đem sang tặng lại cho vua và nhân dân Thái Lan ba năm trước, may mà họ không tự tay thiêu hủy. Trước những mối cảm hoài đó đã tác động không ít khiến Ngài không thể ở lâu thêm hơn, đành phải ngậm ngùi quay gót. Nhưng để bù đắp lại phần nào tâm nguyện hụt hẫng, Ngài đi sang đất Trung Hoa viếng thăm các danh lam như núi Thiên Thai ở phủ Hàng Châu, nơi giáng tích của Bồ Tát Quan Âm. Sau đó qua Phúc Kiến, đến Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam rồi lại ngược xuống Miến Điện để về lại Thái Lan.
Năm Nhâm Dần (1902) đầu mùa hạ Ngài về đến đất Thái Lan, được vua và Phật tử niềm nở đón tiếp. Để không phụ lòng những người con Phật thiện căn ở xứ này, Ngài chọn ngôi chùa hang Kholẽm làm chốn tu hành. Từ đây tiếng về một “ông Thầy Rau” càng được vang xa và kính trọng hơn. Cũng từ đây cuộc sống tu hành của Ngài đi vào nhịp độ bình lặng, có nhiều thời gian tham cứu thêm kinh điển, Phật học.
Tiếng về một “ông Thầy Rau” vẫn ngày một vang xa khiến nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) và các đồng chí của ông (đã bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất sau khi giải tán phong trào Đông du) đang nương náu tại đất Thái chú ý đến và tìm hiểu, sau đó đích thân đến tận nơi tìm gặp và tiếp xúc. Cụ Phan rất kính trọng cung cách tu hành của Ngài, đồng thời cũng vừa tự hào về một người cùng xứ sở đang chung cảnh tha hương. Từ đó dẫn đến mối giao hảo thân tình mà trên hết có tình yêu quê hương đất nước ( ). Trong những lần gặp gỡ đó, cụ Phan đã không ngại ngần bộc bạch hết cho Ngài rõ các hoạt động của cụ và các đồng chí, sự khốn khổ lưu thân để nuôi ý chí cách mạng nơi đất khách quê người. Mỗi lần nghe cụ Phan nói như vậy, là một người dân Việt Ngài cũng có lòng yêu nước thiết tha tự đáy lòng, là một vị xuất gia Ngài đã không cầm được nước mắt. Hơn nữa nhóm cụ Phan gặp được Ngài như là một cứu tinh sáng chói có thể giúp cụ từng bước trên đường hoạt động cách mạng tại đất Thái.
Do vậy, Ngài đã không ngại ngần nhận lãnh trách nhiệm về lại Nam kỳ Việt Nam vận động tài chánh bằng cách Ngài cứ ung dung thuyết hóa, các mặt tổ chức, tuyên truyền cho chuyến đi, kể cả nhận tài vật quyên góp đều do người của cụ Phan đảm nhận (vì Ngài đã phát nguyện không dùng tiền, không nói đến danh lợi – chính trị), người được cụ Phan phân công làm việc đó được Ngài tạm đặt pháp danh Minh Trai. Chỉ hơn một tháng sau, Ngài đã trở lại Băng Cốc với số tiền trong túi Minh Trai là hai ngàn đồng bạc giấy. Ngài bảo số tiền bạc giấy ấy là của các đệ tử nơi quê nhà tự tay quyên góp lại, chứ chưa thực sự kêu gọi sự đóng góp của quần chúng Phật tử, và hứa là lần sau sẽ thực hiện một chuyến trở về nữa ở lâu hơn, vận động sâu hơn để số tiền có được sẽ lớn hơn.
Năm Tân Hợi (1911), đúng một năm sau Ngài thực hiện lời hứa với cụ Phan, trở về Việt Nam. Nhóm cụ Phan định tổ chức đưa Ngài đi bằng đường thủy, nhưng Ngài sợ bại lộ bởi lúc ấy mật thám đã biết rõ việc làm của Ngài ngay lần đi thứ nhất, nên đề nghị đi đường bộ xuống ngõ Cao Miên rồi xuyên rừng vào đất Tây Ninh.
Khi Ngài vừa đặt chân vào biên giới sau bao ngày băng đèo lội suối thì bị phát hiện ngay, Ngài và Minh Trai cố thoát chạy nhưng cả hai đã không nhanh hơn đường đạn đã sẵn chực chờ bao lâu nay, nên đành “giữa đường ngộ nạn nhuộm máu với giang sơn” ( ). Năm đó Ngài vừa đúng 50 tuổi đời, 27 tuổi đạo. Tại chùa hang Kholẽm Thái Lan, vẫn còn bia đá tưởng niệm Ngài với hai chữ gần gũi mà kính trọng “Thầy Rau”.
Dựa theo và tham khảo các tài liệu :
– Phan Bội Châu toàn tập (13) Chương Thâu dịch – NXB Thuận Hóa 1990.
– Phan Bội Châu và Thiền sư Thiện Quảng – Đào Nguyên – Báo NG số 11 bộ mới.
– Lịch sử Phật giáo Nam Tông – Tịnh Hải Pháp sư (tài liệu Giáo dục Cao đẳng Phật học)
– Đất Gia Định xưa – Sơn Nam – NXBTP.HCM 1984