Kiến thức thế gian học không tốt, học Phật cũng không đi đến đâu, xin hỏi phải nên thế nào?

Hỏi:   Khi học kiến thức thế gian [con] nghĩ rằng đây chỉ lãng phí thời gian, phải nên dùng thời gian để học Phật pháp.  Nhưng khi học Phật lại không yên tâm, không buông bỏ được sự học kiến thức thế gian vì nó có thể [giúp mình] kiếm tiền duy trì đời sống.  Vì thế kiến thức thế gian học không tốt, học Phật cũng không đi đến đâu, xin hỏi phải nên thế nào mới tốt?

Ðáp:   Bạn nên học kiến thức thế gian cho xong để có một ngành nghề thích hợp, có thể giúp mình sinh sống và không cần phải bận tâm về vấn đề tiền bạc.  Tuy nhiên đời sống không cần phải giàu có, có thể sống qua ngày là được rồi, như vậy mới có thể dốc toàn tâm toàn lực đi học Phật.  Nhà Phật có nói: ‘Bánh xe pháp chưa lăn thì bánh xe ‘ăn’ phải lăn đi trước’ (Pháp luân vị chuyển thực luân tiên).  Nếu đời sống thấp nhất của chúng ta cũng không lo được thì đâu còn tâm tư đầu óc gì để học Phật nữa.  Cho nên các bạn đồng tu tại gia nhất định phải có đời sống [thu nhập] thấp nhất không bị trở ngại, cả nhà vui vẻ hòa hợp thì học Phật mới có kết quả tốt đẹp.

          Ngày xưa đạo nghiệp của những người xuất gia được thành tựu nhiều, ngày nay thành tựu ít, đạo lý đều ở chỗ này.  Ngày xưa cư sĩ cúng dường ruộng đất, sơn lâm cho người xuất gia, cho nên tự viện am đường đều có sản nghiệpTự viện đem ruộng đất cho nông phu thuê vì vậy có thâu nhập nhất định, họ không cần nhờ tín đồ, không cần làm ‘kinh sám Phật sự’ và không phải giao tế.  Vì kinh tế không thành vấn đề nên tâm an, tu hành dễ thành tựu.  Ngày nay khó khăn rồi, tự viện không có tài sản và thâu nhập cố định, tiền thâu nhập hoàn toàn nhờ vào kinh sám Phật sựpháp hội cho nên đạo nghiệp tu hành của người xuất gia rất khó thành tựu.  Chúng ta quan sát kỹ lưỡng, tại sao cư sĩ tại gia có thành tựu?  Người tại gia có sự nghiệp, mỗi tháng có tiền thâu nhập cố định, vì thế tâm của họ dễ định và dễ thanh tịnh hơn người xuất gia.

          Người xuất gia muốn như lý và như pháp tu hành trong hoàn cảnh ngày nay cũng vẫn có thể làm được.  Nhưng người xuất gia thiếu lòng tin [và thường lo nghĩ về] vấn đề ‘phải nhờ vào gì để sinh sống?’, ‘có thể tin vào Phật Bồ Tát bằng đất bằng gỗ không?’, tự mình không có tín tâm nên rất khó.  Nếu có lòng tin tuyệt đối và vững chắc đối với Phật Bồ Tát, một tí lo lắng cũng không có, cho dù chết đói cũng cam lòng.  [Nếu vậy thì] Phật Bồ Tát sẽ lo lắng cho họ, lúc gặp khó khăn thật sự sẽ có người đến giúp đỡ, sẽ gặp được những duyên phận không thể nghĩ đến, đây là sự gia trì của Tam Bảo.

          Chúng tôi không nắm chắc nguồn gốc của sự cúng dường về tài chánh vì chúng tôi không biết ai sẽ lại cúng dường, nhưng chúng tôi có một niềm tin: ‘niệm Phật chỉ để cầu vãng sanh Tịnh độ’.  Nếu thật không còn nguồn cung cấp tài chánh, tâm của chúng tôi càng vững chắc hơn nữa, thật thà niệm Phật.  Một ngày không có ăn thì niệm Phật một ngày; hai ngày không có ăn thì niệm Phật hai ngày, đến ba, bốn ngày thì vãng sanh rồi, chúng ta phải có niềm tin như vậy, đừng tham sống sợ chết.  Trong ‘Tịnh độ thánh hiền lục’, vào đời nhà Tống pháp sư Oánh Kha ba ngày không ăn, không ngủ, nhất tâm niệm A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật liền tiếp dẫn ngài vãng sanh.  Ðã có chuyện xảy ra như vậy chúng ta còn sợ gì nữa!  Kinh A Di Ðà nói: ‘Nếu từ một ngày cho đến bảy ngày’, chúng tôi tin tưởng nên vĩnh viễn giữ tâm chân thành, thanh tịnh, nhất quyết không phan duyên bên ngoài.  Nếu có người đem tiền lại cúng dường, số tiền này quá lớn, chúng tôi phải hỏi: ‘Tiền của bạn là từ đâu mà có?  Người nhà biết không?’  Tiền tài cúng dường gọi là tịnh tài, nếu người nhà không biết thì sẽ phá hoại sự hòa thuận trong gia đình; nguồn gốc của tiền tài không chính đáng, hoặc là tiền mượn trả góp thì chúng tôi sẽ không nhận cúng dường.