Kinh Điển Đạo Phật Nhất Định Phải Đọc Qua

Các loài gà, chó, trâu, dê… chỉthể kêu thành tiếng mà không biết nói, nếu đem so với con người biết nói thì khả năng nói được của con người thật quý báu. Những người mù chữ, chỉthể nói mà không thể viết, nếu so với người có học được dăm ba chữ, có thể viết thư từ liên lạc giao tiếp với người phương xa, thì người học được ít chữ đó cũng đã là rất đáng quý. Người học được dăm ba chữ kia, tuy có thể viết ra để thay lời nói, nhưng không thể viết ra được những lời nói lên được suy nghĩ, tâm ý của trăm ngàn người, cũng không thể lưu lại những gì đã viết ra cho đến trăm ngàn năm sau. Nếu có thể học rộng biết nhiều, thông suốt chuyện xưa nay, viết thành sách để lại cho đời sau, ắt có thể chỉ một quyển sách được in ấn ra thành trăm ngàn quyển sách, một quyển sách có thể lưu lại cho đến trăm ngàn năm sau, người như thế lẽ nào lại chẳng đáng quý hơn nữa sao?

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sách vở thế gian mà thôi. Nếu như ngoài những sách của Nho gia, có thể mở rộng đọc qua những Kinh điển của Phật, ắt đối với những việc khắp trên trời dưới đất, kiếp trước đời sau, cho đến [sách vở trong] kho tàng dưới biển sâu nơi Long cung, thảy đều có thể biết qua đại lược, như vậy sự thấy biết chẳng phải sâu rộng lắm sao?

Nhưng cho dù sự thấy biết đã là sâu rộng, nếu không tìm được một con đường thẳng tắt để vượt thoát ra khỏi ba cõi, hẳn là đối với hạt giống Bồ-đề vẫn còn chưa có phần.

Ví như có thể rộng hiểu được Kinh tạng, lại gặp được pháp môn Tịnh độ và hết sức tin nhận, kính cẩn thực hành theo, thì trí tuệ, phước đức của người ấy nhất định không phải chỉ tích lũy được trong năm, ba đời mà còn nhiều hơn thế nữa.

Có người nêu nghi vấn rằng: “Những văn tự trong kho tàng dưới biển sâu nơi Long Cung, tuy có liên quan đến những lời dạy chân thật của đức Như Lai, nhưng vì sao người học Nho không tin là thật?” Đáp rằng: “Những chuyện về vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương, cho đến Văn vương, Vũ vương nhà Chu, nếu đem ra nói với những người không biết chữ thì họ cũng đều cho là hoang đường.” Cho nên, đối với Kinh điển đạo Phật, quả thật nhất định không thể không đọc.