Năm 1894

Thầy Minh Khiêm là một bậc cao tăng học rộng, hiểu nhiều đối với Tăng giới lúc bấy giờ. Thầy nhận thấy trong quá trình học tập Phật pháp dành cho lớp Sa di sơ cơ học đạo, không có một quyển kinh, luật nào bằng tiếng Nôm, tức là đọc bằng tiếng dân tộc Việt Nam, mà toàn bằng chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt. Vì vậy mà các ông đạo sáng, chiều đọc tụng làu làu mà không biết trong lời Kinh, Luật ấy nói gì, dạy gì. Thậm chí, có nhiều thầy Tỳ kheo, học đến kinh Pháp Hoa, luật Tứ Phần, luật Qui Ngươn v.v.. mà bảo giải nghĩa mấy chữ “Ma ha Bát nhã ba la mật đa”, mấy thầy cũng ấm ớ: ông nói vầy, thầy nói khác!

Với nhận xét tiến bộ ấy, với quy tư đạo vị ấy, nó thúc giục Thầy phải tìm được điều kiện giải quyết. Thầy góp nhặt trong các bộ Tỳ Ni (luật), rút gọn ra làm bộ luật nhỏ viết bằng Hán văn, dịch ra chữ Nôm, viết theo lối văn trường hàng, gọi là “Luật Trường Hàng”. Bộ luật này gồm 4 quyển: Tỳ ni, Sa di, Oai nghi và Cảnh sách. Chép chánh văn bằng chữ Hán, giải nghĩa văn bằng chữ Nôm (vì lúc bấy giờ, chữ quốc nghĩa chưa được phổ biến). Thầy tận tụy đêm ngày, giải nghĩa rồi phủ chánh, phủ chánh rồi giải nghĩa tiếp… tích cực như thế mấy năm mới hoàn thành. Thời lúc ấy có thầy Huệ Lưu, trụ trì chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức, phụ giúp phần sao y để đưa thợ khắc  bản; thầy Huệ Lưu cũng là người trong chi Lâm Tế; dòng Đạo Bổn Nguyên. Khi khắc bản bộ Luật Trường Hàng, thầy rước thợ đến ăn ở tại chùa Giác Viên. Đến khi khắc bản xong, thì có một người cư sĩ đệ tử của thầy xin cúng tiền công và chi phí ăn uống thợ khắc bản bấy lâu..

Năm khắc bản xong là năm Giáp Ngọ (1894). Thầy Huệ Lưu có đề tựa ở trang đầu; trang chót có ghi phương danh của hai vị cư sĩ đã cúng dường chi phí khắc bản, và có ghi rõ là từng bản bộ Luật TrườngHàng cất ở kho kinh điển chùa Giác Viên. Hiện nay (1983) bản luật đó vẫn còn. Trang đầu bộ luật là lời tựa, và trang kế có hàng lớn: TỲ NI NHẬT DỤNG YẾU LƯỢC (bằng chữ Hán), tiếp ở dưới hai hàng song cước: PHÉP TẮC HẰNG DÙNG RẤT VÓN (bằng chữ Nôm), dài xuống mấy dòng, Thầy đề:“Giác Viên lan nhã Thiền Hòa, Hoằng Ân tỉnh nghĩa” (bằng chữ Hán), và hàng thứ nhì đề: “Hoa Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục” (bằng chữ Hán).

Tóm dịch: – Chùa Giác Viên, Thiền sư Hoằng Ân giải nghĩa; chùa Huê Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục.

Khi bộ Luật Trường Hàng in xong lần đầu được phổ biến các chùa ở miền Nam, chư sơn thiền đức các nơi gởi thơ về Giác Viên ca tụng và yêu cầu Tổ (đến đây xin phép chư tôn), độc giả cho tôi thay chữ thầy ra chữ “Tổ”, vì với công đức cao cả này, chắc chư tôn, độc giả cũng đồng ý là thầy rất xứng đáng cho chúng ta tôn xưng là Tổ – quyết định một ngày nào mời chư tôn các nơi về họp tại chùa Giác Viên, để cùng bản thảo đưa bộ Luật Trường Hàng vào Pháp điển, để làm quyển giáo khoa sơ cấp trong quá trình dạy đạo ở các chùa.

Rồi nhân trong cuộc họp đó, chư tôn các nơi lại đưa quyết định nữa là từ đây trong mỗi trường kỳ (tức là đàn truyền giới) đều dùng bộ luật này làm giáo tài khảo thí: thứ nhất là khuyến khích các ông đạo nhỏ phải học thuộc lòng bộ luật này, thứ hai là chọn hai vị Thủ, Vĩ Sa di để đưa lên đàn thọ cụ, và nhận làm hai người phát từ của Hòa thượng Đường đầu truyền giới.

Bắt đầu từ năm 1900, bộ Luật Trường Hàng nghiễm nhiên có một địa vị văn hóa cao lẫn văn chương gọn trong giới Phật học miền Nam, nó trở thành một giáo tài phải học của các ông đạo sơ cơ mới vào chùa.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.