Thấy Rõ Nhân – Duyên – Quả Để An Nhiên

HỎI: Tôi có người chị là Phật tử năm nay cũng khá nhiều tuổi, lập gia đình đã lâu nhưng vn chưa sinh con. Tôi hỏi thì chị nói lấp lửng rằng: “Chưa muốn, hoặc cứ từ từ, đợi kiếp sau cũng được, hay con cái cũng là nợ duyên, chắc tại không mắc nợ đường con cái nên không thấy ham thích con cho lắm”, mà thực chất thì chị ấy rất yêu trẻ con. Xin hỏi quan điểm về con cái của chị có đúng vi quan điểm nhà Phật không?

(HUY VŨ, Lạc Long Quân, P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM)

ĐÁPBạn Huy Vũ thân mến!

Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.

Tất cả biểu hiện của cuộc sống đều tùy thuộc vào nghiệp lực, nhân duyên tội phước của chính mình đã gieo trồng từ trong quá khứ cho đến hiện tại. Người phước nhiều thì được nhiều phần, của và con đều đủ. Người phước vừa thì chỉ được một phần, có cái nọ thì mất cái kia. Người phước mỏng thì vô phần, có khi chẳng được gì cả.

Lập gia đình đã lâu mà chưa sinh được con dĩ nhiên là thiếu phước về con cái. Trước thực tiễn không như ý này, mỗi gia đình có một thái độ và cách ứng xử khác nhau: tích cực hay tiêu cực, bi quan hay lạc quan, bất an hay an nhiên… tùy quan điểm, tuệ giác của mỗi người.

Theo quan điểm Phật giáo, trong cùng một hoàn cảnh, nếu biết nêu cao chánh kiến và chánh tư duy, quán chiếu đúng đắn về nhân-duyên-quả để chấp nhận thực tại và tìm cách chuyển hóa thì sẽ an nhiên hơn.

Cụ thể, khi chưa có con thì rất mong, tìm mọi cách để có con. Sau khi đã xoay xở mọi cách mà vẫn chưa có con thì sao? Buồn phiền, chán nản, bất an… liệu có giúp ta giải quyết vấn đề? Thế nên, song hành với quá trình chạy chữa, thuốc thang và hy vọng, người trong cuộc phải có thêm liệu pháp tinh thần.

Trước hết, hãy vui với những gì đang có, đó là sự nhẹ nhàng thong thả ‘cứ từ từ’, vì thực chất vội vàng cũng chẳng ích gì. Vẫn trông chờ, nuôi hy vọng nhưng không bực bội nôn nóng. Kế đến, quán chiếu sâu hơn để thấy ‘con cái cũng là nợ duyên’, bản chất là sự cộng nghiệp (thiện hoặc bất thiện) với mình. Nếu cộng nghiệp thiện lành thì con cái là hiếu tử, mà ngược lại là nghịch tử. Nên quán chiếu sâu sắc vấn đề thì có con chưa phải là hay, không con cũng chưa phải là dở. Tùy duyên!

Nguồn: giacngo.vn