Trà là một thức uống phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và các nước khác ở Âu Mỹ. Tuy nhiên, để nâng lên thành nghệ thuật thưởng trà, thì thiền môn có thể xem là điểm xuất phát. Về sau, tuỳ theo sự tiếp thu mà từng dân tộc có sự khác nhau về quan niệm, nghi thức, trà cụ…
Như chúng ta đã biết, Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc khoảng đời nhà Hán (thế kỷ I) và đến thời Đường (618-907) thì phát triển cực thịnh. Dưới triều đại này, Thiền tông đã ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ xã hội Trung Quốc.
Đặc biệt, trong chốn thiền môn đã hình thành nên một nếp sinh hoạt đặc thù, đó là thiền trà. Trà lúc này không còn là một thức uống giải khát nữa, mà nó đã được các thiền sư nâng lên tầm chuyển hoá tâm linh và ứng dụng vào sự tu tập để giáo dục đồ chúng sinh tĩnh tâm mà sau này chúng ta quen gọi là thiền trà.
Đọc Bách Trượng thanh quy, chúng ta sẽ thấy vào thời Đường, chư Tăng thường thực hành Trà thang lễ. Đây là lễ dâng trà và nước nóng cúng dường lên chư vị Tổ sư.
Trong dịp lễ này, đại chúng thường họp mặt để nghe pháp thoại, bàn luận thiền lý. Lễ này thường được tổ chức trang nghiêm và long trọng, cho nên Tăng chúng không được vắng mặt. Quyển 7 của sách này quy định: “Nếu nơi có trà thì khi đến chỗ ngồi không được rũ áo, không được chụm đầu cười nói, không được xá chào người khác bằng một tay, không được cất giấu trà vụn (mạt trà)”.
Nghi thức Trà thang lễ bao gồm:
– Trà thang trạng: thiếp cung thỉnh chư vị Cao Tăng và toàn thể đồ chúng cả Tăng lẫn tục đều đến trà đường để dự trà thang lễ.
– Trà thang bảng: tấm bảng gỗ treo trước Tăng đường dùng làm pháp khí để thông báo cho chúng Tăng biết giờ giấc để đến trà thất; vì tiếng gõ bảng là thay lệnh trụ trì mời đại chúng đến dự buổi thiền trà.
– Trà thang cổ: trống được dùng khi làm lễ cúng dường chư Phật, chư Tổ, đồng thời để chiêu tập đại chúng đến dự lễ.
– Trà thang đầu: người chuyên lo phụ trách trà và nước trong thiền viện hoặc tại sơn môn (cúng dường chư Phật, Tổ; dâng nước cho ngài Đường đầu, Phương trượng, đại chúng và quan khách).
– Trà thang đầu hành giả: những chú tiểu mới tập sự, phụ tá cho các vị trà thang đầu.
Sau một thời gian, Trà thang lễ dần dần ảnh hưởng đến hàng trí thức đương thời, rồi lan rộng ra xã hội.
Khi văn hoá thưởng trà đã phát triển thịnh hành thì nó bắt đầu có những cách thức và quy định riêng. Một trong những ngôi sao sáng đã được tôn thờ làm Trà thần là Lục Vũ, tự Hồng Tiệm, sinh tại vùng Cách Lãng, huyện Thiên Môn (tỉnh Hồ Bắc ngày nay).
Ông mồ côi từ nhỏ, được Thiền sư Trí Tích, trú trì chùa Long Cái đem về nuôi dưỡng và hằng ngày giao cho phụ trách việc hầu trà. Với năng khiếu bẩm sinh cộng thêm tính cần cù của mình, Lục Vũ đã rèn luyện việc chế trà đến chỗ tuyệt hảo. Từ đó, ông trở thành một tài năng lớn, là người chế trà mà ngài Trí Tích ưng ý nhất.
Lớn lên, Lục Vũ không chịu xuất gia mặc dù ở chùa từ thuở nhỏ. Ngày nọ, ông xin thầy xuống núi ngao du để tìm hiểu về trà. Kết quả, Lục Vũ đã thu thập được nhiều tư liệu và cho ra đời tác phẩm Trà kinh (gồm 3 phần, chia làm 10 chương), vào năm 774, niên hiệu Đại Lịch thứ 9 thuộc triều vua Đường Đại Tông.
Cuốn sách này ra đời, đã có một tác động mạnh mẽ đến xã hội Trung Quốc đương thời; do đó, Lục Vũ được các vua, quan, danh sĩ mến mộ, tìm đến tham vấn và đàm luận về trà.
Vua Đường Đại Tông nghe tiếng đã cho mời ông vào cung để phụ trách trà phòng của vua. Người ta đồn rằng, khi Lục Vũ bỏ chùa ra đi, kể từ đó Hoà thượng Trí Tích đã không còn thích uống trà nữa.
Muốn tận mắt chứng kiến tài chế trà của Lục Vũ như thế nào, đồng thời muốn biết tài thưởng thức trà của Trí Tích ra sao, cho nên vua đã bí mật tổ chức buổi “thử trà”, bằng cách cho mời Hoà thượng Trí Tích vào cung thưởng trà, đàm đạo.
Khi người hầu đầu tiên dâng trà lên, vua bưng uống trước và tỏ ra hết sức khen ngợi tài chế trà của người đó, rồi quay sang xin Hoà thượng cho biết ý kiến. Ngài không nhận định trà ngon dở gì cả, chỉ chắp tay niệm Phật không bàn luận gì thêm. Nhiều lần như vậy, vua nghĩ lão Hoà thượng này chắc không biết thưởng trà.
Sau cùng, hai chung trà khác được bưng ra, vua cũng quay sang hỏi ý Hoà thượng, thì thấy khuôn mặt của Ngài sáng hẳn lên, tươi cười nói: “Đây chính là chung trà do đệ tử của tôi pha”.
Câu chuyện cho chúng ta thấy trà đã được các thiền sư nâng lên thành nghệ thuật tâm linh như thế nào; đồng thời qua đó, thái độ khiêm cung của Hoà thượng Trí Tích đáng để cho chúng ta học tập. Đối trước vua mà Ngài chỉ niệm Phật, không khen trà ngon dở gì cả. Vì sao? Vì nếu khen ngon thì trái với sự thật và vua sẽ nghĩ Ngài có ý dua nịnh; ngược lại, nếu chê dở thì người chế trà sẽ bị trừng trị. Ngài đúng là một vị chân tu.
Theo Trà kinh, Lục Vũ ghi nhận trà cụ dưới thời Đường gồm có 24 món. Đáng tiếc là ngày nay phần lớn đã bị thất truyền, chỉ còn lại một loại bát dùng để uống trà, gọi là uyển. Uyển có màu xanh gọi là thanh tử, sản xuất ở Việt Châu và uyển màu trắng – bạch tử, chế tạo ở Hình Châu. Thời này người ta nấu trà bánh, hoặc khuấy trà bột trong cái sanh rồi rót vào bát lớn để uống.
Sang thời Tống (960-1280), Thiền tông vẫn được phát triển, đồng thời có sự hoà hợp với Nho giáo và Lão giáo, cho nên trong nghệ thuật thưởng trà đã có sự tương quan giữa các Nho sĩ, Đạo sĩ và Tăng sĩ.
Chỉ có điểm khác biệt là vào thời Đường, người ta dùng phổ biến cả hai loại: trà bột và trà bánh. Trà bánh thì thái ra từng miếng nhỏ, còn trà bột thì được bỏ vào trong bát khuấy đều. Đến đời Tống, người ta vẫn dùng hai loại trà này, tuy nhiên bát uống trà nhỏ hơn và kiểu cách cũng có thay đổi đôi chút: miệng hơi rộng và có lòng cạn nên gọi là trản.
Đặc biệt, vào thời Bắc Tống, các thiền sư ở chùa Thiên Mục (thuộc tỉnh Triết Giang) đã chế tạo ra một loại bát dùng để uống trà mà giới trí thức đương thời quý trọng. Loại bát này có màu đen nâu như lông thỏ nên gọi là thố hào trản.
Khi sang hoằng pháp tại Nhật Bản, những vị Thiền sư Trung Quốc đã đem loại bát này theo để dùng cũng như đã truyền bá trà thiền cho các thiền sư tại đây. Về sau trà thiền được các Thiền sư Nhật Bản biến thành “trà đạo”, nghiễm nhiên trở thành một nét đặc sắc của văn hoá Nhật, hiện vẫn còn được bảo tồn.
Nghệ thuật thưởng trà của văn hoá Đường Tống đã được chính quyền nhà Minh (1368-1644) phục hưng. Ngành gốm sứ cũng nhờ vậy mà phát triển rực rỡ.
Cảnh Đức Trấn trở thành trung tâm gốm sứ của cả thế giới đương thời. Giai đoạn này người ta bỏ dần hai loại trà bột và trà bánh, chuyển sang sử dụng trà rời sấy khô như ngày nay. Và trà cụ cũng được biến đổi nhiều kiểu cách.
Người ta không sử dụng uyển, trản, nồi đất (sênh) hay ấm tích lớn để nấu pha trà nữa, mà bắt đầu chế tạo ấm chén, càng ngày càng tinh tế, hoàn mỹ.
Nghi Hưng cũng là vùng đất thứ hai, sau Cảnh Đức Trấn, nổi tiếng về ngành chế tạo gốm sứ này. Nguyên lai, vùng đất này có tên là Dương Tiễn, ở phía Tây Thái Hồ, phía Đông Tô Châu, có các loại đất sét đặc biệt, mà khi được nung chín cao độ sẽ có màu đỏ tươi (chu sa), đỏ bầm (tử sa), vàng da quýt (quất bì), xám xanh (bản sơn lục)… tuyệt đẹp.
Đầu tiên, thấy dân chúng trong vùng Nghi Hưng lấy đất nơi đây làm đồ gốm, các thiền sư ở chùa Kim Sa trên núi Nam Sơn đã dùng đất này nắn thành bình bát và ấm trà để dùng trong nhà chùa.
Tao nhân mặc khách đến chùa Kim Sa, thấy được những chiếc ấm tuyệt đẹp ấy, liền đua nhau mua về thưởng trà. Nhờ đó, danh tiếng ấm đất Nghi Hưng lan truyền khắp nơi.
Không lâu sau, có Nho sĩ Ngô Sĩ Sơn cùng với người hầu tên Cung Xuân đến xin trọ tại chùa Kim Sa để dùi mài kinh sử. Trong những lúc rảnh rỗi, Cung Xuân thường theo các sư để tập làm ấm trà. Nhờ tài năng thiên phú, tiểu đồng này đã chế tạo nên những ấm trà thuộc vào hạng tuyệt phẩm không ai sánh bằng. Làm được cái nào, các nhà quyền quý đều tranh nhau mua lấy cho bằng được để xứng danh “trà sĩ”.
Ngày nay, ấm trà Cung Xuân thuộc vào hạng quốc bảo của Trung Hoa và trở thành “thế gian hy hữu bảo”, hiện chỉ còn một vài chiếc được lưu giữ trong bảo tàng của nước này mà thôi.
Ngoài ra, thời Minh Vạn Lịch còn có nghệ nhân Thời Đại Bân chuyên chế tạo các ấm nhỏ, không cầu kỳ mà có vẻ hồn hậu, phù hợp với thú thưởng trà giữa tri âm, tri kỷ: ấm trà nhỏ, lòng cạn; nắp ấm bầu lên chứ không phẳng để lưu lại vị thơm trong nước. Ấm của Thời Đại Bân chế tạo có nắp đậy kín miệng, da lấm tấm như phủ bụi vàng. Ở thân ấm hay phía dưới của đáy ấm nhiều khi còn được các danh nhân, đạo sĩ, thiền sư lưu lại bút tích, thơ văn.
Nghệ thuật thưởng trà và trà cụ hầu như đã đạt tới sự hoàn chỉnh dưới triều Minh, cho nên qua đời Thanh (1644-1911) cũng không có gì thay đổi. Đồ trà vẫn “Nghi đào – Cảnh tử” (ấm đất Nghi Hưng và chén sứ Cảnh Đức Trấn) là tuyệt thế gian. Nghệ nhân nổi tiếng chế tạo ấm trà thời này, gồm: Trần Minh Viễn, Trần Đạo Sinh, Thiệu Đại Hưởng…
Tựu trung, thưởng trà thì hầu như các nước ở Á Đông đều có; nhưng nâng lên thành nghệ thuật thì thiền môn Trung Quốc có thể xem là điểm xuất phát; để về sau, các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản… đã chịu ảnh hưởng nghệ thuật thưởng trà của Trung Hoa song song với việc tiếp thu đạo Phật từ nước này.
Nằm trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đã ít nhiều chịu ảnh hưởng nghệ thuật thưởng trà của Trung Hoa nhưng không sâu đậm bằng các nước khác; ngược lại, chúng ta có bản sắc riêng.
Trần Đình Sơn (Theo Văn hóa Phật giáo)