Văn hóa Thần truyền: Không màng quyền lợi và danh tiếng, việc đã thành công liền rút lui

Lý Bí là người Kinh Triệu dười thời nhà Đường (nay là Thiểm Tây, Trường An), còn được gọi là Bạch y Thừa tướng. Ông làm quan suốt 4 triều, và cả 4 triều Hoàng đế đều cực kỳ kính trọng, tôn ông làm thầy. Lý Bí chí hướng cao vời vợi, suốt cả đời yêu chuộng Thần Tiên Phật Đạo, giàu lòng đồng cảm và yêu chuộng chính nghĩa. Vào lúc đất nước lâm nguy ông phụ tá cho triều đình, hoạch định các phương sách để dẹp loạn. Đến khi thiên hạ thái bình yên ổn, việc đã thành công ông liền rút lui, trước sau luôn luôn bảo trì tâm thái bình tĩnh và an hòa.

Lý Bí lúc còn nhỏ thì tài trí mẫn tiệp nổi tiếng, được gọi là “Thần đồng”. Có một lần, Tể tướng Trương Cửu Linh chuẩn bị đề bạt một người Đức tài không cao, cá tính hơi nhu nhược và ưa phục tùng. Lý Bí khi đó mới chỉ có 7 tuổi, thẳng thắn nói với Trương Cửu Linh: “Ngài xuất thân là bình dân, xử lý việc quốc gia đại sự, xưa nay có thanh danh là chính trực vô tư, chẳng lẽ Ngài cũng thích những nhân tài mềm yếu, thiếu chí khí, ăn nói nhũn nhặn hay sao?“. Trương Cửu Linh nghe cậu bé nói thì vô cùng sửng sốt, lập tức thận trọng nhận lỗi, đổi cách xưng hô, gọi cậu là người bạn nhỏ.

Một năm nọ, khi Đường Huyền Tông tự mình lên lầu cao để chọn văn sỹ trong thiên hạ, Trương Cửu Linh nhắc đến Lý Bí, Huyền Tông lập tức phái người đưa Lý Bí vào cung. Lý Bí vào cung đúng lúc Huyền Tông đang chơi cờ vây với Tể tướng Trương Thuyết. Huyền Tông bèn lệnh cho Trương Thuyết ra câu hỏi khảo nghiệm Lý Bí.

Trương Thuyết chỉ bàn cờ nói: “Vuông như bàn cờ, tròn như quân cờ, động như cờ sinh, tĩnh như cờ tử”. Nói 4 câu đó thì 4 chữ “vuông tròn động tĩnh” là đề thi. Ông ta thấy Lý Bí tuổi còn nhỏ, mới có lòng thử tài năng, tốt nhất là nói đến cờ mà không nhắc đến chữ cờ, như vậy mới có trình độ. Lý Bí trả lời liền: “Vuông như hành nghĩa, tròn như dụng trí, động như sính tài, tĩnh như toại ý”. Huyền Tông rất vui mừng, ngay lập tức bảo Lý Bí đến Đông cung để giúp Thái tử Lý Hanh đọc sách.

Sau này khi trưởng thành, Lý Bí tâu trình Huyền Tông một số ý kiến về việc quốc gia đại sự. Huyền Tông xem xong rất vui mừng, muốn phong cho ông một chức quan. Ông từ chối nói rằng mình còn nhỏ tuổi nên không muốn ra làm quan. Huyền Tông bèn phong cho ông làm quan lại dưới quyền của Thái tử, muốn ông chỉ giáo cho Thái tử thật nhiều. Lý Bí nói ông chỉ muốn kết giao với Thái tử với thân phận dân thường. Thái tử cũng rất thích Lý Bí, luôn đối đãi với Lý Bí như thầy giáo.

Sau này, Lý Bí nhìn không lọt mắt cảnh Dương Quốc Trung chuyên quyền, từng làm thơ châm biếm ông ta. Vì thế ông bị Dương Quốc Trung gạt ra ngoài Trường An. Ông thấy cục diện chính trị hỗn loạn, quan trường đen tối, bèn đi đến Toánh Dương ở ẩn.

Thời loạn An Sử, Thái tử Lý Hanh lên ngôi vua tại Ninh Hạ, Linh Vũ, là vua Đường Túc Tông. Lúc ấy tình hình vô cùng hoảng loạn nhếch nhác. Đường Huyền Tông trốn ở tận Tứ Xuyên, một nửa giang sơn đều đã lọt vào tay của An Lộc Sơn. Bên cạnh Túc Tông các quan văn võ chỉ gồm có 30 người bất mãn, lúc ấy Túc Tông nhớ đến người bạn tốt là Lý Bí bèn phái người đưa Lý Bí từ Toánh Dương tới Linh Vũ. Lý Bí nghĩ đến việc triều đình đang trong lúc khốn khó, bèn tới Linh Vũ.

Túc Tông thấy Lý Bí tới thì hết sức vui vẻ, muốn phong cho ông làm Tể tướng, Lý Bí không đồng ý. Ông nói: “Bệ hạ đối với thần giống như bạn tri âm, điều đó so với địa vị Tể tướng còn quý hơn, cần gì phải để thần mang hư danh ấy?”. Túc Tông đành phải thôi.

Túc Tông tin cậy Lý Bí vô cùng, trong triều việc lớn việc nhỏ tất cả đều thỉnh giáo ông, thậm chí cả việc bổ nhiệm hoặc cách chức Tể tướng cũng muốn hỏi ý ông. Mỗi khi trong triều nghị sự thì Hoàng đế và Lý Bí cùng nhau ngồi trên ngai, tướng sỹ chỉ trỏ nói: “Cái vị mặc Hoàng bào kia chính là Hoàng thượng, còn cái vị mặc áo choàng ngắn màu trắng kia là ẩn sỹ từ núi tới“. Bởi vì thời gian Lý Bí ẩn cư tại vùng nông thôn thường mặc áo vải, còn lúc tới Linh Vũ thường hay mặc áo choàng ngắn.

Nhờ Lý Bí cùng với Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật cùng nhau bày mưu lập kế, cuối cùng nhà Đường thu phục lại được Trường AnLạc Dương. Sau khi bình định xong loạn An Sử, Lý Bí nói với Đường Túc Tông: “Thần đã báo đáp bệ hạ xong rồi, xin cho thần lại về nhà làm một kẻ an nhàn!“. Túc Tông nói: “Ta với tiên sinh cùng trải qua mấy năm hoạn nạn, bây giờ đang muốn cùng với Ngài hưởng thụ an vui, làm sao Ngài lại phải đi như thế?“. Lý Bí tha thiết nói: “Thần cùng bệ hạ kết giao quá sớm, bệ hạ quá trọng dụng thần, tín nhiệm thần. Chính vì thế thần không thể không đi được”. Nhiều lần thỉnh cầu mãi, Túc Tông đành phải đồng ý.

Lý Bí tới Hành Sơn, tạo ra một phòng ở trên núi, lại bắt đầu cuộc sống ẩn cư như trước kia.

Vào thời Đường Đại Tông, triều đình triệu mời Lý Bí làm quan Bí thư giám.

Vào thời Đường Đức Tông khi giặc Chu Thử làm loạn, Đức Tông chạy về Phụng Thiên, bổ nhiệm Lý Bí làm Tể tướng. Lý Bí dùng mưu cứu vãn được tình thế, và vì công ấy ông được phong tước Hầu.

Đức Tông nói với Lý Bí: “Các vị thuật sỹ nói rằng cuộc nổi loạn của Chu Thử là đã được an bài từ trước, đó là Thiên mệnh, các quan lại không thể làm được gì nhiều”.

Lý Bí nghiêm túc nói: “Thiên mệnh là chỉ tuân theo ý Trời mà làm việc, chứ không phải là lấy thiên mệnh làm lý do để rũ bỏ hết trách nhiệm. Nhà vua và Tể tướng có trách nhiệm dẫn dắt vận mệnh của quốc gia, cần phải hướng dẫn trăm họ thuận theo Đạo Trời. Nếu như nhà vua không làm tròn trách nhiệm mà lại nói bừa Thiên mệnh, như thế lễ nghi và hình phạt cũng không cần dùng tới nữa. Xưa nay những bạo chúa như Kiệt, Trụ đều nói mệnh của mình do Trời định rồi, lấy số mệnh để bào chữa cho bản thân, Hoàng thượng nghĩ thế e rằng lại trở thành giống như Kiệt, Trụ mất”.

Lý Bí thanh liêm đoan chính, làm quan luôn theo lẽ công bằng và chấp hành pháp luật. Sau khi quy ẩn tại vùng sông núi ông đã hiểu được ý nghĩa thực sự của đời người. Ông nắm bắt được thời cuộc và biết lựa chọn con đường bản thân cần phải đi theo. Ông thực sự là người thanh bạch và có chí hướng rõ ràng, tĩnh lặng mà trí tuệ cao vời.