Trong kinh Tạng, hôn nhân và gia đình là một đề tài được đức Phật Thích Ca đề cập đến. Muốn xây dựng hạnh phúc gia đình, người nam cũng như người nữ phải thực hành năm giới cấm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Cư sĩ tại gia khi có hôn lễ thường mời chư tăng đến tư gia cầu an, chúc phúc cho hai Phật tử trước khi chính thức trở thành vợ chồng. Có gia đình, khi rước dâu về nhà trai, ghé ngôi chùa đã thỉnh ý trước để chư tăng chúc phúc cho chú rể, cô dâu, cho hai họ và quan khách tham dự.
Tại chùa, nghi thức tiến hành hôn nhân diễn ra tại chính điện. Chư tăng tập trung tại đây, cô dâu chú rể đốt nhang. Tất cả cùng lễ bái Tam Bảo. Sau đó, đại diện hai họ trình bày lý do buổi lễ, chư tăng chứng minh và chúc phúc. Tiếp theo nghi thức này là sự hướng dẫn của chư tăng lễ bái song thân ba lạy, nhằm bày tỏ tấm lòng đền ơn đáp nghĩa công lao cha mẹ đã cưu mang, đùm bọc, dưỡng nuôi suốt cuộc đời. Cô dâu chú rể nói lời sám hối với cha mẹ, mong cha mẹ tha thứ hết các lỗi lầm đã phạm đến cha mẹ, để có thể an tâm trong cuộc sống mới. Cha mẹ bày tỏ lòng tha thứ bằng cách trao cho các con những cành hoa tươi thắm. Chư tăng truyền tam quy (quy y Phật, pháp, tăng) và ngũ giới (năm giới cấm) cho cô dâu, chú rể. Đại diện chư tăng ban bố đạo từ, khuyên cả hai năng hướng về Phật, sống chung thủy, giữ gìn bổn phận của mình. Tiếp đến là một bài kinh ngắn, chư tăng vừa đọc vừa rải hoa và nước có chú nguyện từ những bài kinh cổ xưa của đức Phật để ban phúc lành cho chú rể, cô dâu.
Thông thường nghi lễ này diễn ra tại chùa khoảng 30 phút. Tất cả ra về trong niềm vui hoàn mãn.