Những người mê muội thường cho rằng tâm ở trong thân này, đó chỉ là do nhận lầm cái tâm thuộc về lục phủ ngũ tạng bên trong cơ thể là tâm, hay trái tim, lại cho đó chính là thể rỗng rang linh diệu, mà không biết rằng có một tâm hữu hình, hay trái tim, tùy thuộc thân xác này thường sinh thường tử, lại có một tâm vô hình, hay tâm thức, không tùy thuộc thân xác này nên không có sinh tử. [i]
Tâm hữu hình, hay trái tim, ở trong thân thể, còn tâm vô hình, hay tâm thức, không ở trong thân thể. Nếu như nói hai tâm ấy chỉ là một, ắt là tâm nhân từ thương dân của Nghiêu, Thuấn với tâm bạo ngược ác độc của Kiệt, Trụ phải cách xa nhau như trời với đất. Lại vì sao cùng mắc phải tâm bệnh, mà có trường hợp phải chẩn đoán dùng thuốc men, có trường hợp lại phải dùng các phương pháp điều trị tâm lý? Do đó mà biết là cái tâm cần phải dùng thuốc men với cái tâm thiện ác vốn rõ ràng là hai tâm khác nhau.
Lại có người ngờ rằng, cái tâm hữu hình kia đã chẳng phải tâm thức, ắt hẳn cái khả năng thấy, khả năng biết của ta chính là tâm. Nhưng những đối tượng của sự thấy, biết đều là ở bên ngoài, như vậy cho thấy cái tâm có thể thấy, có thể biết đó cũng ở bên ngoài. Những người này thường ví như việc nhắm mắt quay nhìn bên trong không thấy, chỉ có khả năng nhìn thấy những vật đối diện mình, không thể từ những chỗ bên trong như chân mi, đáy mắt, da mặt mà tự thấy được hình thể. Lại ví như thân ở bên ngoài căn nhà, tất nhiên chỉ có thể nhìn thấy được tường vách, cửa sổ… từ bên ngoài, mà không thể từ ngoài nhìn vào thấy được những chỗ ẩn khuất bên trong. Xin thưa, không đúng như thế. Cái khả năng biết khổ, biết đau, chính là tâm ta. Như người khác uống vị thuốc hoàng liên, ta không thể cảm thấy đắng miệng; như muỗi chích trên da thịt, ta liền kêu đau, vậy có thể nói rằng tâm ở bên ngoài được chăng?
Lại có người ngờ rằng, tâm đã chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, vậy nhất định là nó có lúc vào trong, có lúc ra ngoài, nên phải ở nơi khoảng giữa. Xin thưa, không đúng như thế. Nếu có vào ra, tức chẳng phải ở khoảng giữa. Nếu xác định ở khoảng giữa, ắt không có vào ra. Hơn nữa, biết dựa vào đâu mà gọi là khoảng giữa? Nếu cho rằng khoảng giữa đó nằm bên trong da, thì vẫn giống như thuyết cũ là tâm ở bên trong. Nếu cho rằng khoảng giữa đó nằm bên ngoài da, thì vẫn giống như thuyết cũ là tâm ở bên ngoài. Lại tiến xa hơn để tìm khoảng giữa, thì bất quá trong các nếp nhăn của da cũng chỉ là những cáu ghét dơ bẩn, đó lại là tâm của ta được sao?
Tâm không phải vừa có hiện hữu, vừa không hiện hữu
Hoặc có người nói rằng: “Nếu tâm không hiện hữu, ắt là nhìn không thể thấy, nghe không thể nghe, ăn cũng chẳng biết mùi vị. Còn nếu như nhìn có thể thấy, nghe có thể nghe, ăn có thể biết được mùi vị, đó tức là tâm có hiện hữu. Như vậy, tất nhiên là tâm phải vừa có hiện hữu, vừa không hiện hữu?”
Đáp rằng: “Sáu thức đó[ii] chẳng phải là tâm. Ví như khi nhìn thấy người con gái đẹp, tâm liền khởi sinh ái nhiễm, đó là do con mắt (nhãn căn) với hình sắc (sắc trần) tiếp xúc nhau mà thành nhận biết (nhãn thức). Nghe nói đến trái mơ chua thì tự nhiên sinh nước dãi trong miệng, đó là do lưỡi và vị chua tương cảm với nhau mà thành thức. Từ nơi rất cao nhìn xuống thấp, hai chân tự nhiên run rẩy, đó là do thân với cảm xúc thúc bách nhau mà thành thức. Nếu nhận những thức ấy là thể tánh rỗng rang linh diệu không mê muội của tâm, đó là sai chỉ hào ly mà lệch đi ngàn dặm. Người xưa nói rằng:
Cội nguồn sinh tử trong muôn kiếp,
Người mê không biết nhận chân tâm.
Chính là nói đến ý nghĩa này.
Trong kinh Lăng nghiêm, đức Phật bảo ngài A-nan rằng: “Cả mười phương hư không sinh khởi trong tâm ông, chẳng qua cũng chỉ như đám mây nhỏ điểm giữa bầu trời mênh mông.”
Đức Phật bảo ngài A-nan bảy lần chỉ ra nơi chốn của tâm; bảy lần hỏi, bảy lần đáp, phá sạch tất cả những nhận thức sai lầm hư vọng, sau đó mới dần dần hiển lộ chân tâm nhiệm mầu sáng suốt, khiến cho ngài A-nan được nhất thời tỏ ngộ, có thể nói là một cuộc hiển bày hết sức tường tận sâu xa uyên áo.
[i] Những biện luận như thế này dường như chỉ có giá trị nhiều trong nguyên tác, bởi chữ Hán dùng cùng một chữ tâm (心) cho trái tim và tâm thức. Trong tiếng Việt thì sự phân biệt giữa trái tim hữu hình với tâm thức vô hình là quá rõ ràng và không thể gây nhầm lẫn.
[ii] Tức nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.