Ăn Uống Tiết Độ

Ăn uống quá độ là nguồn gốc của béo phì, tăng tốc lão hóa và tác động đến sức khỏe. Ăn uống vừa đủ, có chừng mực, trong chánh niệm sẽ giúp chúng ta tránh được điều đó.

Câu chuyện này xảy ra khi Đức Phật ngụ tại tinh xá Kỳ viên (Jetavana), thành Xá-vệ (Sàvatthi), liên quan đến vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của vương quốc Kosala, được ghi lại trong bài kinh Đại thực (Tương ưng bộ, 3.13) và Chú giải kinh Pháp cú (kệ 204).

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi có thói quen ăn uống vô độ, với các bữa ăn thịnh soạn. Một ngày nọ, sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến gặp Thế Tôn. Sau khi đến, nhà vua đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

Đức Thế Tôn biết vua Pasenadi đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, Ngài hỏi vua:

– Ðại vương, đến đây mà chưa ngủ nghỉ ư?

– Bạch Thế Tôn, không phải như vậy, nhưng con luôn luôn cảm thấy khó chịu, khổ sở sau khi ăn xong.

– Này Ðại vương! Ăn uống quá độ thường mang lại sự khổ nhọc.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Người ưa ngủ, ăn lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi.

Đức Phật dạy tiếp:

– Ðại vương, cần phải giữ tiết độ khi ăn uống. Đó là điều tốt.

Ngài nói tiếp câu kệ:

Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.

Vua Pasenadi nước Kosala gọi vương tử Sudassana (Tu-đà-na), cháu của nhà vua và cũng là người hầu cận, và bảo:

– Này ông, hãy ghi nhớ bài kệ của Đức Thế Tôn. Từ nay, mỗi khi dọn ăn cho ta, hãy đọc lên bài kệ ấy.

– Thưa vâng, Ðại vương.

Vương tử Sudassana vâng đáp vua Pasenadi, học thuộc lòng bài kệ này từ Đức Phật, và mỗi khi dọn cơm cho nhà vua, đọc lên bài kệ này:

“Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.”

Nhờ được nhắc nhở, vua Pasenadi tuần tự hạn chế sự ăn uống, cho đến khi chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika (một chén cơm).

Sau một thời gian, thân thể nhà vua được khỏe mạnh, nhà vua tự tay thoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng sau đây: “Ôi, Đức Thế Tôn thật sự thương tưởng, nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”

Theo Chú giải kinh Pháp Cú, sau đó, vua Pasenadi đến bạch Đức Phật, và được Ngài dạy:

– Sức khỏe là hạnh phúc lớn nhất mà mọi người mong muốn. Bằng lòng với những gì hiện có là giàu có nhất. Trung tín là điều tốt nhất khi giao hảo. Nhưng khônghạnh phúc nào có thể so sánh với Niết-bàn.

Đó là duyên sự của câu kệ 204 trong kinh Pháp Cú:

Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng.
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng.
Niết-bàn, lạc tối thượng
(bản dịch của Hòa thượng Minh Châu)

Tỳ khưu Giới Đức dịch:

Không bệnh, lợi ích xiết bao!
Sống đời biết đủ, khác nào được châu!
Tín thành: quyến thuộc hàng đầu
Niềm vui tịch tịnh, nhiệm mầu chí tôn!

Cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch:

Ai không bệnh, lợi nhất đời
Ai mà biết đủ là người giàu sang
Ai thành tín là bạn vàng
Và nơi cực lạc: Niết Bàn là đây.

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Đây là lời khuyên quý báu của Đức Phật cho tất cả chúng ta, nhất là trong thời đại ngày nay, khi bệnh béo phì trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Ăn uống quá độ là nguồn gốc của béo phì, tăng tốc lão hóa và tác động đến sức khỏe. Ăn uống vừa đủ, có chừng mực, trong chánh niệm sẽ giúp chúng ta tránh được điều đó.