Lịch Sử Hình Thành Các Tự Viện Phật Giáo Như Thế Nào

Lịch sử hình thành các tự viện Phật giáo như thế nào? Nhân tiện, xin hỏi: Có phải “đến chùa thì được phước” hay không?

Nguyễn T. Kh, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, Sa Đéc, Đồng Tháp

Đức Phật thành lập Giáo đoàn Tỳ kheo vào năm 528 trước Tây lịch. Các thành viên của Giáo đoàn tự nhận mình là Tỳ kheo (Bhikkhu) hay Bật-sô, Bí-sô (Bhiksu), nghĩa là kẻ lang thang, khất sĩ, sống không nhà. Và các Tỳ kheo cũng như các tu sĩ ngoại đạo khác, không có chỗ ở nhất định, thường là một gốc cây, hốc đá, căn lều hoang, hang động… Mọi hoạt động hầu như ngưng hẳn trong suốt mùa mưa, với những cơn mưa tầm tã, đường sá ngập nước hoặc lầy lội; côn trùng rắn rít đầy rẫy trên đường đi trong làng, trong rừng. Khi Giáo đoàn trở nên đông đảo hơn, Đức Phật cho phép các Tỳ kheo có thể chia ra từng vùng, sống gần nhau, học hỏi giáo lý, giới luật với nhau vào các tháng mưa. Sau đó, Phật chế luật an cư vào mùa mưa (tháng Vassa, khoảng tháng Năm, kéo dài đến tháng Tám dương lịch) thì chư Tỳ kheo càng cần có chỗ ở ổn định để an cư theo từng vùng, từng cụm. Các Tỳ kheo cùng nhau xây dựng một tập hợp lều sát nhau ở trong rừng, nơi xa xóm làng, thị tứ mới đầu bằng cành tre, cây lá, bùn đất… gọi là Avasa. Vì là nơi ở tập thể, dù chỉ trong ba tháng, các Avasa cần có chỗ cất giữ các đồ dùng, thuốc men trị bệnh… nên được gia cố chắc chắn và mở rộng thêm, có thể cất thêm gác và có thể sử dụng lại trong mùa an cư năm sau. Hết mùa an cư, một vài Tỳ kheo được phân công ở lại tại mỗi Avasa để giữ gìn, sửa chữa những chỗ hư hỏng và để ngăn những kẻ trộm cắp. Thế là ý nghĩa định cư tại một cơ sở Phật giáo đã hình thành. Kế đến, khi Phật giáo phổ biến đến quần chúng, các Avasa ngày càng được lập tại các khu dân cư. Được các Phật tử ủng hộ, nhất là các phú gia, bậc vua chúa, nơi an cư của các Tỳ kheo được xây dựng vững chắc, rộng rãi, tiện nghi, có người phục vụ, có giám thị trông coi… và được gọi là Arama (trú xứ ở thành thị, già lam, tịnh xá). Có rất nhiều Arama có qui mô lớn được ghi trong các kinh sách nhưng chỉ một số còn di tích như Veluvanarama (Trúc Lâm, do vua Bimbisara xây tặng), Jivakarama (Kỳ Bạt, do nhà y học, phẫu thuật lừng danh Jivaka cúng dường), Jetavanarama (Kỳ Hoàn, do Trưởng giả Arathapindika – Cấp Cô Độc hiến tặng), Ghositarama (Cù Sư La, do Trưởng giả Ghosita cung hiến)… Từ ý nghĩa sống chung, tu học vốn đã có trong các trú xứ Tỳ kheo, Amara hay Avasa, có khi gọi là Vihara, rồi Lena, Addhaya, Pasada, Ammiya, Guhà… chỉ khác nhau về kiến trúc, nhưng đều có ý nghĩa là tự viện, là chùa…

Hiện nay, tự viện gồm chùa, tịnh thất, trung tâm, niệm Phật đường được xây dựng khắp thế giới. Nhiều nước ở châu Phi đã bắt đầu có chùa Phật, ở Anh có gần 300 ngôi, ở Úc có 200 ngôi, ở Mỹ có khoảng 20.000 ngôi, Nhật 80.000 ngôi, Thái Lan 30.000 ngôi; ở Việt Nam có hơn 16.000 ngôi… Riêng tại Việt Nam, từ thế k I, trung tâm Phật giáo Luy Lâu lớn nhất khu vực đã được thành lập và bấy giờ đã có hơn 20 ngôi chùa với khoảng 500 tăng sĩ và suốt nhiều thế k Bắc thuộc, các ngôi chùa còn là những trung tâm văn hóa, trường học, cơ sở y tế… miễn phí cho những người nghèo khổ ở nông thôn.

Như thế, vốn là một gốc cây, hốc đá, hang động, túp lều hoang hay do các Tỳ kheo dựng rất thô sơ, theo với sự phát triển của Phật giáo và của chủ trương hoằng hóa cứu độ, các tự viện Phật giáo được hình thành, mang nhiều vẻ dáng khác nhau tùy theo hoàn cảnh, văn hóa của từng vùng đất, khu vực.

Mỗi ngôi tự viện là một biểu hiện của Phật giáo trên đời. Chùa thờ Phật có chư Tăng tu học, giảng pháp, hành lễ. Ý nghĩa Tam bảo thể hiện rõ nét trong một ngôi chùa, thiêng liêng, cao cả, uy nghilại rất gần gũi với quần chúng Phật tử.

“Đến chùa thì được phước” có phải như vậy không? Trước hết, ta nên hiểu “phước” là công lao, công hạnh do mình tạo ra khi thực hiện một điều tốt lành, là của chính mình chứ không ai ban cho mình. Ta đến chùa lễ Phật, nghe kinh tức là ta củng cố niềm tin Phật, tăng cường sự thấm nhuần giáo lý, phát triển thiện tâm, tạo cơ duyên tốt lành cho cuộc sống. Đó là kết quả của việc đến chùa, là do chính ta thực hiện, là phước vậy. Trong ý nghĩa này, “đến chùa thì được phước” quả là rất đúng, rất phù hợp với giáo lý nhân quả của Phật giáo.

http://tapchivanhoaphatgiao.com