Đại đức Thích Quảng Hương, pháp danh Nguyên Diệu, pháp hiệu Bảo Châu, nối pháp dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44. Ngài thế danh Nguyễn Ngọc Kỳ, sinh ngày 28 tháng 7 năm Bính Dần – 1926 tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống tu Phật rất thuần thành. Nhờ thế, ngay từ thuở niên thiếu, đã sớm được sống trong sự yêu thương, đùm bọc bởi niềm tin Phật đà cao đẹp đó. Làng xóm quanh vùng cũng qua đó mà quý trọng và xem gia đình Ngài như một mẫu mực tốt để phấn đấu giáo dục con em của mình.
Năm Canh Thìn (1940) càng thuận duyên hơn khi người anh ruột của Ngài được song thân cho xuất gia. Dù mới 14 tuổi, thế nhưng, Ngài đã tỏ quyết tâm mai này sẽ nối gót người anh, nương nhờ phước lực gia đình để tìm cầu Phật đạo, Ngài đã tự cho rằng ngay giai đoạn này mình đã là một vị “xuất gia” chưa mặc áo thiền gia. Điều đó nói lên cách sống thuần thục đạo hạnh mà các kỳ trai giới, các buổi thọ Bát Quan Trai luôn được Ngài tích cực tham dự và giữ gìn nghiêm nhặt.
Song hành với lối sống đó, Ngài còn có duyên trong các công việc từ thiện địa phương, luôn đi đầu ở những nơi hiểm nghèo, khát vọng tình tương thân tương ái. Ngài còn kiêm luôn những công việc của một vị xuất gia là tổ chức, điều hành các Ban Hộ Niệm từ thôn ấp đến tận quận xa; quy tụ rất đông các thanh thiếu niên tham gia tụng niệm và hộ niệm.
Năm Quý Mùi (1943), nhận thấy cơ duyên hộ pháp, thực thi công hạnh qua giai đoạn của một cư sĩ Phật tử đã đạt nhiều thành tựu và đã có các đạo hữu khác kế thừa; ngày 26 tháng 5 năm 1943, Ngài quyết định đến cầu xuất gia với Hòa thượng Minh Lý, trụ trì chùa Quang Sơn, thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được Hòa thượng ban pháp danh là Nguyên Diệu ( ).
Năm Đinh Hợi (1947), Ngài hiệp lực cùng năm vị Đại đức khác thành lập Chi hội Phật học tại thôn An Đức, xã An Thành, huyện Tuy An ( ). Đây là một địa phương Phật học phát triển chậm nhất trong tỉnh Phú Yên thời bấy giờ và nhờ uy tín vang rộng khiến chư Tăng, Phật tử tại đây phải tìm đến tài tổ chức khéo léo của Ngài.
Năm Kỷ Sửu (1949), lúc 23 tuổi, Ngài cầu pháp và thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Liên Tôn, kế vị trụ trì chùa Quang Sơn, được ban pháp tự là Quảng Hương, hiệu Bảo Châu. Cùng năm ấy, sau khi thọ Cụ túc giới không lâu, Ngài lại được nhận chức Thư ký chi hội Phật học xã An Hiệp.
Năm Canh Dần (1950), do phải điều hành cùng lúc nhiều nhiệm vụ và di chuyển liên tục để trực tiếp điều hành tổ chức, sức khỏe Ngài có chiều hướng suy kiệt trầm trọng. Vì thế, Ngài được khuyến cáo của chư Sơn và Phật tử ân cần khuyên nhủ nên có thời gian tịnh dưỡng để sớm phục hồi sức lực, hầu có điều kiện tiếp tục đạo pháp lâu dài. Sau khi sắp đặt bàn giao các chức trách, Ngài đến Phan Thiết để chữa bệnh.
Tháng 8 năm 1950, tuy chưa bình phục hoàn toàn nhưng Ngài vẫn lo ngại tri thức Phật pháp chưa cao để hy vọng đảm đương các trọng trách mai sau, nên Ngài xin nhập học tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Từ cơ duyên này, sở học Phật pháp của Ngài càng được nâng cao một cách nhanh chóng.
Từ đó, Ngài lại chuyên tâm học tập trở thành một giảng sư và đạt nhiều thành tựu đáng kể, được khắp nơi biết đến. Đó là khoảng thời gian sau chấn hưng, Phật giáo phát triển rất cần nhiều vị pháp sư tài giỏi cả về đức lẫn trí, có tinh thần phóng khoáng và phù hợp; Ngài đã đáp ứng được các tiêu điểm trên một cách rất xuất sắc.
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài được Hòa thượng Thích Trí Thủ – Giám Viện Phật học viện Nha Trang tin tưởng tiến cử làm Giảng sư chuyên trách cho Tỉnh hội Phật giáo Đà Lạt. Như vậy thuận duyên hoằng pháp của Ngài đã mở ra chân trời thành tựu to lớn.
Năm Tân Sửu (1961), Ngài được Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử trụ trì chùa Khải Đoan và kiêm nhiệm Giảng sư tại Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột. Trách nhiệm nặng thêm, nhưng Ngài vẫn tỏ ra vững chãi ý chí, không ngừng vun bồi thêm đạo hạnh. Nhờ vậy hầu hết cư dân Phật tử nơi này càng thêm tin yêu, quý trọng Ngài.
Năm Quý Mão (1963), những tưởng từ nơi trú xứ này sẽ giúp Ngài đạt nhiều thành tựu mới trong việc phục vụ chánh pháp; thế nhưng một đại nạn đã xảy ra với Phật giáo Việt Nam, bởi chánh quyền Ngô Đình Diệm muốn triệt tiêu Phật giáo và loại trừ luôn ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi xã hội Việt Nam – một hành động phi nhân đạo. Họ đã thực hiện với nhiều thủ đoạn từ đe dọa rồi đến cả khủng bố : máu đã đổ, lửa căm hờn đã ngùn ngụt liên tiếp bùng lên, một người như Ngài không thể làm ngơ hay phó mặc sự đời xoay chuyển.
Đã có 5 ngọn lửa đấu tranh chân chính đó được thắp lên bằng chính máu xương của những người con Phật, vốn luôn mong cầu hạnh từ bi và cứu khổ giúp người. Thế nhưng với tham vọng thiển cận, hẹp hòi, u tối, chính quyền Ngô Đình Diệm càng ngoảnh mặt xem thường tất cả, để rồi điên cuồng thực hiện kế hoạch triệt tiêu Phật giáo đồ Việt Nam bằng chiến dịch “nước lũ” vào đêm 20.8.1963, tấn công, phong tỏa các chùa chiền, bắt bớ và thủ tiêu nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo .
Sau sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu trong nội các của Ngô Đình Diệm xuống tóc, từ chức để phản đối chính quyền ngày 21.8.1963; rồi Đại sứ Trần Văn Chương tại Mỹ do quá xấu hổ về hành vi con gái ông là Trần Lệ Xuân chủ động cùng Diệm – Nhu xúc phạm nghiêm trọng đến Phật giáo, đã lên tiếng “từ con”, bị Diệm-Nhu cách chức ngày 22.8.1963.
Trở về nước, ông Trần Văn Chương và giáo sư Vũ Văn Mẫu đứng ra trực tiếp ủng hộ phong trào sinh viên, học sinh vùng lên chống đối Diệm – Nhu. Trước tiên là thành lập và ra tuyên ngôn đấu tranh của Đại học Y Khoa ngày 23.8.1963 rồi đến các trường Trung học như : Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn, Võ Trường Toản, Gia Long, Trưng Vương v.v… Ngay cả các trường Pháp như Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Kỹ thuật Cao Thắng, Mỹ thuật Gia Định… cũng nhất tề phản đối và đứng về phía Phật giáo để ủng hộ công cuộc đấu tranh.
Khi nữ sinh viên Quách Thị Trang bị bắn chết trước chợ Bến Thành ngày 25.8.1963 thì làn sóng bãi thị, lãng công càng bùng lên dữ dội và như vậy, Phật giáo đấu tranh cho nguyện vọng bình đẳng tự do lại hóa thành cuộc cách mạng lớn, không còn của riêng ai trước sự cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Đó là một phần cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ Việt Nam diễn ra tại Sài Gòn khi Ngài đang có mặt tại đây. Sự cảm khái chen lẫn chua xót, bùi ngùi đã dấy lên trong lòng Ngài nhiều trăn trở, thầm mong đóng góp chút phần mình cho Phật giáo trong những tháng ngày tang thương biến động ấy.
Tuy nhiên, ước nguyện dấn thân giúp ích đạo pháp chỉ dừng lại ở việc tham gia các cuộc tuyệt thực, biểu tình chống đối. Trò hề: “bi kịch một mình” của hồi hai cảnh hai, với tên gọi là “Ủy ban Liên hiệp Thuần túy Phật giáo” mà đạo diễn không ai khác hơn là Ngô Đình Nhu. Ngài cảm thấy xấu hổ cho những việc làm đó của họ, trong khi một em nữ sinh 15 tuổi hồn nhiên là Quách Thị Trang mà còn biết xả thân đối mặt với u minh ma chướng trước ánh mặt trời đô thị, góp vào xương máu chung để bảo vệ chân lý Phật giáo.
Do tình hình lúc này các nhà lãnh đạo Phật giáo bị bắt hầu hết, nhưng khắp mọi nơi làn sóng đấu tranh bất bạo động vẫn tiếp tục dâng cao, bởi Phật giáo không còn con đường lựa chọn nào khác. Vì vậy, nỗi lo của Ngài càng lớn hơn thêm lên và tự nhủ phải làm sao nhanh chóng tiếp tục đánh động lương tâm thế giới, góp phần nhỏ vào nỗi đau của đạo pháp và sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam.
Ngày 20.9.1963, khối Á-Phi đưa vấn đề “kỳ thị, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam” ra trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc, song đó mới chỉ là bàn luận, việc thực hiện hãy còn xa. Trong thời gian ấy, biết bao đau thương bất công nữa sẽ còn phủ chụp lên Phật giáo Việt Nam. Thêm vào nữa là thái độ bưng bít mọi thông tin của Ngô quyền càng thêm trầm thống. Do đó Ngài quyết định tự thiêu, vừa để thúc hối, báo động cho Liên hiệp quốc, vừa là để cho ngọn lửa đấu tranh tiếp tục bừng sáng thêm ý chí quyết tâm.
Ngày 5.10.1963, dù chưa rõ Liên hiệp quốc có còn tích cực quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam nữa hay không, nhưng Ngài tin rằng nhất định việc làm của Ngài sẽ góp phần tác động không nhỏ vào tình thế đó. Sau khi để lại huyết thư gởi Tổng thống Diệm và gởi cho toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam với nội dung “đấu tranh cho đến cùng, khi nào quyền tự do căn bản được tôn trọng mới thôi”. Vào lúc 12 giờ 5 phút cùng ngày, Ngài đến trước chợ Bến Thành, nơi mà không bao lâu trước đó, nữ sinh Quách Thị Trang đã ngã xuống trước viên đạn ác nghiệt bạo quyền, tự châm lên ngọn lửa đốt cháy thân mình, thành ngọn lửa thứ 6 của dũng lực, hy sinh thân tứ đại giả hợp này để thành tựu tinh thần bất diệt của hạnh Bồ Tát.
Năm đó, Ngài hưởng 37 tuổi đời, 20 tuổi đạo, giới lạp trải 14 mùa Hạ.