Hôn lễ Phật giáo, không thấy có căn cứ rõ ràng trong ba Tạng Kinh điển. Vì vậy, Phật giáo không có cường điệu tầm quan trọng của việc tổ chức hôn lễ Phật giáo. Mọi hôn nhân công khai đều được Phật giáo thừa nhận. Phật giáo chỉ nghiêm cấm việc tư thông. Phật giáo gọi tư thông là tà dâm, xem đó là hành vi phạm tội.
Nhưng trên cơ sở gia đình Phật hóa, thì hôn lễ Phật giáo là tất yếu. Ít nhất, việc cử hành hôn lễ Phật giáo chứng tỏ nam nữ kết hôn đều là đệ tử Tam Bảo và sau kết hôn, gia đình họ cũng sẽ là gia đình Phật hóa; tức là gia đình giữ 5 giới và 10 thiện; một gia đình hòa thuận, yên vui.
Vì vậy, các Phật tử chính tín nên tổ chức hôn lễ Phật giáo và động viên bạn bè thân thuộc tổ chức hôn lễ Phật giáo.
Vì hôn lễ Phật giáo không có căn cứ rõ ràng trong ba tạng Kinh điển, cho nên, hiện nay, nghi thức của nó chưa được thống nhất quy định. Nhưng nghi thức chủ yếu nên là, hai người cùng quy y Tam Bảo và tuyên thệ thương yêu tôn trọng nhau, và dưới ánh sáng hào quang của Tam Bảo, long trọng kết bạn thành vợ chồng, thương yêu nhau, tương trợ nhau.
Theo quy định của luật Tỳ kheo thì người xuất gia không được làm môi giới hôn nhân, nhưng không quy định người xuất gia không được làm chứng cho hôn nhân, hay có thể làm chứng cho hôn nhân. Nhưng nếu lấy quan điểm của đạo giải thoát mà cân nhắc, thì người xuất gia không nên làm chứng cho hôn nhân; tuy nhiên, nếu lấy quan điểm của đạo Bồ Tát mà suy xét thì vì lý do Phật giáo hóa xã hội, vị Bồ Tát xuất gia vẫn có thể làm chứng cho cuộc hôn nhân, như là phương tiện để tiếp dẫn chúng sinh vào đạo