Ăn No Cái Bánh Thứ 7

Lời dẫn: Muôn sự ở thế gian, bất luận thành công hay thất bại, việc tốt hay việc xấu, đều có nguyên nhân tích lũy từ đời quá khứ. Cổ đức dạy:

Còn nghèo thì chẳng ai nhìn

 Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.

 Khi còn nghèo, nếu chúng ta không cực khổ phấn đấu học tập thì làm sao đỗ trạng được? Việc này giống như bệnh cảm mà chúng ta thường thấy, tuy bị cảm lạnh chỉ nhất thời, nhưng tìm ra nguyên nhân cũng có liên quan đến thân thể suy yếu. Khi sức khoẻ suy yếu là có rất nhiều nguyên nhân khác. Trước đây, chúng ta ăn uống không điều độ, thiếu chất, thức ăn không đảm bảo vệ sinh tích tụ dần dần. Chúng tôi nói mỗi việc đều có nhân từ quá khứ, mới có quả hiện tại. Nhưng có người cố chấp không chịu tìm nguyên nhân của nó, mà dựa vào quả hiện tại đi vào bước đường cùng, sinh ra khổ não vô lý. Bạn nói họ đáng thương hay là đáng trách?

Ngày xưa có một người rất nghèo khổ. Mỗi ngày, hắn đều lên núi đốn củi rồi gánh ra chợ bán, tiền bán củi chỉ tạm lây lất nuôi sống cả nhà. Một hôm đang ở trên núi đốn củi, hắn bị trượt dốc té ngã xuống, nhưng bị thương nhẹ. Tối hắn trở về nhà, hàng xóm nhìn thấy liền hỏi:

– Tôi nghe nói hôm nay anh trượt té bị thương có nặng lắm không?

Hắn đáp:

– Tôi bị thương cũng nhẹ, chẳng hề gì; chắc là hôm nay số phận tôi không may là trúng ngày xấu. Nếu như tôi biết trước như vậy, thà ở nhà chịu đói còn hơn đi lên núi.

Sau đó, hắn vẫn hàng ngày lên núi đốn củi, nhưng hắn cứ cho rằng ngày té bị thương là ngày không tốt. Hắn nghĩ thế giới này rộng lớn như vậy, hàng ngày đều có người tốt kẻ xấu. Rốt cuộc ngày nào tốt, ngày nào xấu? Có những người sinh ra cùng năm, cùng tháng, cùng giờ, nhưng chưa chắc họ thành công hay thất bại cùng một lúc. Cuối cùng ai bị tai nạn, ai được hạnh phúc, có định số không?

Một hôm, hắn mãi mê đốn củi quá trưa bụng đói meo, tiền bán củi hắn đem mua bảy cái bánh. Hắn ăn một cái chẳng thấm thía gì, ăn tiếp hai, ba, bốn, năm, sáu cái cũng chưa no; nhưng hắn ăn đến nửa cái bánh thứ bảy thì no. Hắn liền hối hận nói: “Nếu ta sớm biết ăn cái bánh này no thì chỉ mua một cái bánh này thôi, cần gì phải tốn nhiều tiền mua bảy cái bánh uổng phí thế này. Thật là tiếc quá!”.

Người ngồi bên nghe hắn nói, liền mắng:

– Gã ngu này nói mê sảng, ở đời sao lại có kẻ quá ngu như thế!

Bài học đạo lý

Một hòn núi có rất nhiều đất cát tích tụ lại mà thành. Một cây cổ thụ cũng từ hạt giống trồng xuống bén rễ nảy mầm dần dần lớn lên. Thân thể của mỗi người cũng rất nhiều tế bào hợp lại thành. Muôn sự, muôn vật ở đời do nhân duyên hợp lại mà thành.

Con người ở đời có người giàu sang, kẻ nghèo hèn; người thông minh, kẻ ngu si; người đức hạnh, kẻ xấu ác đều có nhân xa và cũng có nhân gần của nó, và cũng có rất nhiều trợ duyên, tích tụ dần dần thành quả. Người có đức hạnh, trí huệ; hoặc kẻ gian ác, lừa đảo, thông thường mọi người cho rằng tự nhiên trời sinh ra. Thật ra, muôn sự ở đời đều có nhân mới có quả. Trí huệ, đức hạnh, hung dữ, lừa đảo, tính thiện, tính ác đều là tích tập nhiều đời nhiều kiếp.

Hàng ngày, những người làm nghề sĩ, nông, công, thương đều luôn bận rộn nỗ lực làm việc, chi tiêu tiết kiệm, tích góp tiền của. Kẻ trộm muốn chiếm làm của mình, kết quả bị bắt, phải ngồi tù. Chẳng những hắn không được hưởng thụ mà còn khổ cực ngồi trong tù, đánh mất tương lai hạnh phúc cả một đời, làm hoen ố danh dự, ngay cả người thân trong gia đình đều thấy xấu hổ với mọi người, ông bà ở nơi suối vàng cũng thấy hổ thẹn. Kết quả muốn chiếm của người khác thì được cái gì?

Đức Phật dạy tam chỉ tu lục độ, tu trăm kiếp được tướng hảo, tích chứa nhiều công đức mới được thành Phật vạn đức trang nghiêm. Người ngày nay chê tu hành như vậy là quá chậm, chủ trương phương pháp tu hành liền đắc đạo, hoặc giác ngộ tức khắc, thành Phật lập tức. Việc này có hay không cũng rất khó nói. Người đời bỗng phát giàu to, làm quan lớn không phải là không có, đều là đầy đủ nhiều điều kiện mới có. Làm thế nào họ giàu có nhanh chóng, được làm quan lớn thì phải xem xét nhân duyên của mỗi người.