An Sĩ Toàn Thư – Quyển Một – Khuyên Người Không Nên Nuôi Mèo

Người ta tạo ra các ác nghiệp, cũng giống như trồng dây leo. Từ một gốc đã mọc lên, cành lá rồi sẽ lan ra chằng chịt. Hãy thử xét như việc nuôi mèo chẳng hạn. Nếu nhìn theo quan điểm thế gian thì bất quá điều này chỉ tạo ra một nghiệp xấu [là giết chuột] mà thôi. Nhưng nếu dùng trí tuệ sáng suốt mà xét kỹ sẽ thấy rằng điều này có thể nuôi dưỡng vô số ác nghiệp. Nay thử trình bày ra đây chỉ một đôi phần trong số đó.

– Nhìn chung, loài chuột vốn không làm hạcon người, nay ta bỗng dưng khởi sinh ác ý muốn giết hại chúng, đó gọi là sự giết hạvô cớ (vô duyên sát).

– Chúng ta không thể tự mình giết, lại dùng việc nuôi mèo để giết chuột, đó gọi là sai bảo khuyến khích kẻ khác giết hại (giáo tha sát).

– Mỗi khi thấy mèo bắt được chuột liền khởi tâm vui mừng, đó gọi là thấy sự giết hại mà tán trợ vui theo (tùy hỷ sát).

– Thấy mèo bắt được nhiều chuột thì khen ngợi, đó gọi là xưng tánca tụng sự giết hại (tán thán sát).

– Cố ý đem mèo thả vào những nơi có nhiều chuột [để nó bắt giết], đó gọi là tạo điều kiện thuận lợi cho việc giết hại (phương tiện sát).

– Trong lòng mong muốn cho mèo ngày nào cũng bắt được chuột, đó gọi là nuôi dưỡng tâm nguyện giết hại (thệ nguyện sát).

– Trong lòng mong muốn nuôi mèo để giết chuột nhà mình, kết quả đúng thật mèo ấy giết chuột nhà mình, đó gọi là sự giết hại hướng tâm cố ý và chính xác (chính sát), cũng gọi là sự giết hại có tương thông với tâm giết hại của kẻ khác (thông tâm sát).

– Trong lòng mong muốn nuôi mèo để giết chuột nhà mình, kết quả mèo ấy lại cũng sang giết chuột nhà người khác, đó gọi là giết trộm (đạo sát), cũng gọi là sự giết hại không tương thông với tâm giết hại của kẻ khác (cách tâm sát).

– Nuôi mèo chỉmuốn nó bắt chuột, nhưng rồi lại bắt cá, mua cá cho nó ăn, đó gọi là sự giết hại phát triển thêm (tăng ích sát).

– Khiến cho những người quanh ta bắt chước làm theo, con cháu anh em bắt chước làm theo, cùng làm việc giết hại sinh mạng, đó gọi là sự giết hạtiếp nối lan truyền không có lúc chấm dứt (vô tận sát)…

Vô số những nghiệp ác như vậy, đều khởi sinh từ chỉ một ý niệm căn bản ban đầu là muốn nuôi mèo, có thể nào lại không hết sức nghiêm khắc ngăn ngừa [ý niệm ấy] hay sao?

 

Chuột tha văn thi

Lý Chiêu Hỗ tham gia kỳ thi Hội. Quan chủ khảo xem qua bài của ông, cho rằng văn chưa được hay, liền loại ra, đặt lên đầu giá sách. [Đến lúc đi ngủ,] có con chuột lớn ngậm bài văn ấy lôi đến bên gối ông. Quan chủ khảo liền lấy đặt lại lên giá sách, chuột lại tha đến bên gối. Liên tục ba lần như vậy, quan chủ khảo trong lòng kinh dị, liền xem lại và chấm đỗ bài văn ấy.

Sau khi yết bảng, quan chủ khảo liền gạn hỏi Lý Chiêu Hỗ. Ông nói “[Có lẽ vì] ba đời nhà tôi chưa bao giờ nuôi mèo [để giết chuột].”

 

LỜI BÀN Trong nhà nuôi thêm một con vật, đó là tạo thêm một phần nghiệp ác. Kinh Bồ Tát giới dạy rằng: “Người Phật tử nuôi dưỡng những con vật như mèo, chó, lợn… đó là phạm vào tội khinh cấu.” Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nuôi mèo là phạm tội. Nuôi các loài vật như dê, lợn v.v… là phạm tội. Nuôi tằm [kéo tơ] là phạm tội.”

Kinh điển dạy rõ việc này ở rất nhiều nơi, chỉ tiếc là người đời không đủ nhân duyên đọc được mà thôi. Người biết quý tiếc sự sống của muôn loài thì không muốn làm những việc như trồng hoa, nuôi cá… vì đều dẫn đến sự giết hại vật mạng ngày càng nhiều hơn.

Mong sao người đọc có thể suy xét thật kỹ những điều này, đừng cho đó là những lời vô nghĩa.

Nguồn: thuvienhoasen.org