Bó Cỏ Gai

Thuở xưa, tại một nước nghèo, có hai người bạn chơi thân với nhau, một người trí và một người ngu. Một hôm họ rủ nhau cùng đi nhặt lúa hoang. Khi đến đồng cỏ thấy cây gai mọc đầy đất, nghĩ rằng có thể bán được chút tiền, nhiều trí bảo người ngu bó lấy, mỗi người mỗi gánh đem về.

Trên đường về, họ thấy đám chỉ gai. Người trí nói: “Chỉ gai này đã làm thành, nhỏ và mịn, đáng lấy hơn”. Người ngu nói: “Tôi đã lấy cây gai bó buộc chặt chẽ rồi, không thể bỏ được”. Người trí đành quăng bó cây gai, một mình lấy chỉ gai đem về.

Họ cùng nhau đi, bỗng lại gặp đám vải gai, đống bông gòn, chỉ bông, gặp vải bông… rồi gặp đồng, gặp bạc và gặp vàng. Người trí nói: “Nếu không gặp vàng ta hãy lấy bạc, không gặp bạc ta hãy lấy đồng… nếu không gặp chỉ gai ta mới lấy cây gai. Nhưng nay có nhiều vàng, là thứ quý hơn các vật khác, ngươi nên bỏ bó cây gai, ta sẽ bỏ bạc để chung lấy vàng đem về”. Nhưng người kia nói: “Tôi đã lấy cây gai bó buộc chắc chắn và gánh đi đã xa, nay không thể bỏ được. Ngươi muốn lấy vàng thì lấy, tuỳ ý”. Người trí thương bạn nhưng chẳng khuyên được liền bỏ bạc mà lấy vàng, còn người ngu thì gánh bó cỏ gai cùng đem về.

Đến nhà, bà con người trí thấy anh ta có nhiều vàng thì vui vẻ tiếp đón, lại càng vui mừng hơn. Người ngu gánh cây gai về, bà con trông thấy không chút vui mừng, không thèm đón chào và càng hổ thẹn, buồn thêm.

(Thuật theo Trường A Hàm, kinh Tệ Tú)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Hành động của người ngu, kẻ đã khư khư ôm bó cỏ gai mang về nhà, làm chúng ta vừa giận lại vừa thương! Giận vì có người lại khù khờ đến thế kia, tiếc bó cây gai mà không dám vứt bỏ, để được những thứ khác có giá trị hơn? Thương là bởi anh ta đã ôm lấy một nhận thức sai lầm, tà kiến, và tưởng rằng đó là chân lý, không dám thay đổi, chắc chắn sẽ khổ đau, thiệt thòi.

Câu chuyện mới nghe qua có vẻ ngô nghê và buồn cười, ấy vậy mà có thật, rất thật giữa đời thường, ngay trong cuộc sống hiện đại này. Hẳn có người đã bỏ ra nhiều năm để học tập, nghiên cứu… một công trình nào đó, và đã có được chút thành quả tri thức về nó. Nhờ vào kiến thức đó mà họ chỉ bày, truyền trao cho nhiều người, đem lại lợi ích, được tôn vinh, kính trọng… Cho nên, không dễ gì thay đổi được quan niệm, nhận thức của họ trong một sớm một chiều, dù đã được nhiều ánh sáng tri thức khác soi rọi cho thấy nhận thức kia là sai lầm.

Chúng ta nên nhớ rằng, những điều hay lẽ phải, những cái mới lạ, chân lý và sự thật đang nằm bên ngoài tri thức, hiểu biết của chúng ta nhiều lắm. Những điều chúng ta biết, có thể rất hạn hẹp và đôi khi lệch lạc, sai lầm. Nếu chấp thủ cứ bám lấy quan kiến riêng, nó có thể trở thành rào chắn cho tiến bộ tri thứcchướng ngại cho thăng hoa tâm linh, giải thoát. Vì vậy, muốn đi xa hơn trên lộ trình giác ngộ, người con Phật phải biết buông xả, vượt lên sở kiến hẹp hòi, phá tan thành trìsở tri chướng”, mở rộng tâm hồn ra để đón nhận chân lý, vượt sang bờ kia, thành tựu “vô trí, diệc vô đắc”.