Có Phải Phật Giáo Đề Cao Sự Ăn Chay Và Phê Bác Sự Ăn Mặn Không

Có Phải Phật Giáo Đề Cao Sự Ăn Chay Và Phê Bác Sự Ăn Mặn Không?

Đ. V. Ch, phường Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai

Đây là vấn đề đã được nêu lên từ lâu và vẫn tiếp tục được nhiều người quan tâm nhưng đến nay vẫn không có sự giải quyết dứt khoát.

Khi Tăng đoàn mới được thành lập, chư Tỳ kheo, cũng như các tu sĩ khác ở Ấn Độ, sống lang thang, khất thực theo từng nhóm nhỏ. Thức ăn do tín chủ cúng dường, sự phân biệt chay mặn không phải là vấn đề. Đối với chư vị ấy, thức ăn uống chỉ là để duy trì mạng sống trên bước đường tu hành. Về sau, Tăng đoàn trở nên đông đảo, việc thí thực cúng dường Đức Phật và chư Tỳ kheo được tổ chức nhiều hơn, chu đáo và bề thế hơn. Có lẽ ý niệm phân biệt các thức ăn chay mặn phát sinh từ các tín đồ Phật giáo và từ nhiều giáo phái khác nhau, liên hệ đến điều quan trọng nhất của Phật giáo: Cấm sát sinh.

Luật tạng (Mahavagga) có thuật lại rằng các giáo sĩ Kỳ-na (Jainism) đã xuyên tạc, đồn đại rằng Đức Phật và đoàn Tỳ kheo đã tham dự buổi tiệc do Tướng quân Siha thiết đãi, trong đó vị thí chủ đã giết một con vật to béo để làm thức ăn. Lời vu cáo này lại cho ta biết rằng thời ấy việc không ăn thịt loài vật được Phật giáo và nhiều tôn giáo khác coi trọng. Trong Kinh Jivaka của Trung Bộ, Đức Phật có nêu ba trường hợp được phép ăn thịt (tam tịnh nhục): Không trông thấy con vật bị giết, không nghe tiếng kêu của con vật ấy, không nghi ngờ con vật ấy bị giết là nhằm cho mình ăn thịt nó. Về sau lại có thuyết nêu thêm hai trường hợp nữa thành năm loại thịt được phép ăn (ngũ tịnh nhục): Thịt của con vật tự chết, thịt còn thừa lại sau khi các thú ăn thịt đã ăn. Tuy vậy, cũng chính trong kinh Jivaka, Đức Phật dạy rằng những ai vì Ngài và đệ tử của Ngài mà giết hại sinh vật để cúng dường đều bị tổn hại công đức. Luật tạng còn ghi 10 loại thịt bị cấm ăn dù thuộc trường hợp tam tịnh hay ngũ tịnh, đó là thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, hổ, báo, gấu và dã can. Điều này chứng tỏ Luật tạng cũng chấp nhận tam tịnh nhục hay ngũ tịnh nhục.

Một số kinh điển Đại thừa lên án mạnh mẽ việc ăn thịt như: Kinh Đại Niết-bàn (Mahanirvana sutra), Lăng Nghiêm (Surangama), Phạm Thủy (Brahmajala), Đại Vân (Mahamega), Tượng Hiếp (Hastikashya), Chỉ Man (Augulimaliya)… và nhất là kinh Lăng-già (Lankavatara sutra). Kinh Lănggià dành trọn chương VIII để lên án sự ăn thịt: Ăn thịt là phá bỏ lòng từ, là ăn thịt cha mẹ và người thân từ các đời trước nay tái sinh; thịt thì hôi thối, gây bệnh; người ăn thịt thì hôi thối, khiến các sinh vật sợ hãi, lánh xa; ăn thịt sẽ bị đọa là dã thú, ác qu, địa ngục; sự ăn thịt sẽ sinh ra kiêu mạn, từ đó phát sinh vọng tưởng, tham lam, si muội. Đức Phật còn khẳng định: “Không có loại thịt nào gọi là tam tịnh nhục do không có chủ tâm, do không yêu cầu và không ép buộc. Do đó, không được ăn thịt”, “Tất cả sự ăn thịt dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm vô điều kiện và tuyệt đối với tất cả”.

Tuy nhiên, một ý nghĩa khác trong quan điểm ăn chay, ăn mặn được nêu ra trong lời dạy của Đức Phật Ca-diếp (Kassapa) trong kinh Hôi Thối (Amagandha Sutra) của Kinh Tập: “Sát sinh, đánh đập, đả thương, bắt trói, trộm cắp, nói dối, lừa gạt, trí thức giả tạo, gian dâm mới chính là hôi thối chứ ăn thịt không phải là hôi thối”. Lại nữa như đã nói, việc ăn uống chỉ nhằm duy trì mạng sống, không chấp vào vị ngon dở, chỉ ăn với “tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê…”, với “biến mãn với tâm từ, quảng đại, vô biên…” (Kinh Jivaka, đã dẫn).

Nhiều vị Đại sư, Tăng, Ni, Phật tử do ăn chay mà đạt được công hạnh tuyệt vời; nhiều vị khác không lưu tâm nhiều đến sự chay mặn vẫn đạt được đức hạnh trí tuệ lớn lao. Đức Đạt-lai Lạt-ma có nhiều lần vui vẻ bàn rằng: “Ăn một bát tôm là giết hại nhiều sinh mạng, nhưng một con cừu, một con bò có thể nuôi sống nhiều người bằng thịt của nó”. Ngài ủng hộ việc ăn chay nhưng do Ngài bị viêm gan B, các bác sĩ buộc Ngài phải theo chế độ ăn uống gồm nhiều protein động vật. Tính ra, mỗi năm Ngài ăn chay sáu tháng.

Theo chúng tôi, rõ ràng ăn chay là rất nên. Nhưng tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, quan điểm, ý thứctâm thái của mỗi người, sự ăn mặn không phải là một điều cấm kỵ nghiêm khắc.

http://tapchivanhoaphatgiao.com