Cư sĩ Văn Quang Thùy sinh ngày 17 tháng 3 năm Đinh Hợi 1887, tại tỉnh Hải Dương, thân phụ là cụ Văn Đức Khiêm. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán. Người ta kể lại rằng ông chăm học, không lúc nào rời cuốn sách, đến nỗi trong xóm có vụ cháy nhà, mọi người đổ xô đi coi, ông vẫn ngồi yên học.
Sau khi việc thi cử bằng chữ Hán bị bãi bỏ, ông quay sang học tiếng Pháp và thi đỗ làm Thông phán tại Nha quan thuế Hà Nội.
Năm 1928, cụ thân sinh thất lộc, ông suy tư về kiếp sống vô thường, bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu kinh điển đạo Phật. Bẩm tính thông minh, lại thêm có vốn Hán học vững vàng, ông thâm nhập giáo lý Phật đà một cách nhanh chóng và uyên thâm, trở nên một cư sĩ Phật tử thuần thành.
Thời bấy giờ, sách báo thuộc loại tân thư như phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản thâm nhập vào nước ta qua đường dây của thương nhân Hoa kiều đã tác động vào tư tưởng của giới trí thức cựu học và các vị tôn túc Phật giáo Việt Nam. Do đó, phong trào chấn hưng Phật giáo ở trong nước cũng được khởi động khắp nơi. Đi tiên phong cho phong trào là Phật giáo Nam kỳ với các Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Kiêm tế; rồi đến Trung kỳ với Hội An Nam Phật học. Các hội này hoạt động rất mạnh, mở nhiều Phật học đường đào tạo Tăng Ni, xuất bản báo chí để phổ biến giáo lý Phật đà và tuyên truyền vận động cho phong trào ấy.
Hòa cùng nhiệt tình và nguyện vọng của đồng đạo Nam, Trung; các Hòa thượng Trí Hải, Mật Ứng, và Tâm Bảo cùng với nhà văn Sở Cuồng Lê Dư triệu tập một cuộc họp tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, có sự tham dự của chư tôn đức trong hàng giáo phẩm và các vị trí thức tên tuổi ở thủ đô như các ông Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Văn Quang Thùy, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh v.v… Hội nghị đồng ý thành lập một tổ chức đặt tên là “Bắc Kỳ Phật Giáo hội” do ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Cư sĩ Văn Quang Thùy và ông Nguyễn Văn Minh được cử làm Phó thư ký.
Từ đó, ông dành nhiều thời gian ngoài giờ công vụ, hoạt động cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc. Ngoài việc tham gia giảng dạy giáo lý ở các trường Gia giáo của các chùa và các Phật học đường của Hội, ông còn đi giảng kinh cho đồng bào Phật tử tại chùa Quán Sứ, chùa Hòe Nhai và các chùa nhỏ quanh vùng Hà Nội. Chẳng những ở Hà Nội, mà các chùa ở tỉnh xa như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng cũng thường mời ông đến giảng pháp, ông đều vui vẻ đáp ứng.
Mùa xuân năm Canh Thìn 1940, một phái đoàn Tăng sĩ Trung Hoa sang thăm Việt Nam, trong đó có hai Pháp sư Thái Hư và Đế Nhàn. Với Pháp sư Thái Hư, tuy đây là lần đầu tiên tới Việt Nam, nhưng pháp danh Ngài thì rất quen thuộc đối với Phật giáo Việt Nam trong mấy chục năm trước đó. Trong khi phái đoàn nghỉ tại khách sạn, Cư sĩ Văn Quang Thùy tìm đến cầu pháp tu thiền với Pháp sư Thái Hư. Pháp sư liền nói : “Tôi thấy Việt Nam toàn tu Tịnh độ, cư sĩ nên vâng theo”.
Sau đó, Pháp sư trao giới Bồ Tát cho ông, ban pháp danh là Tuệ Nhuận và tặng một mảnh giấy có hai câu thơ để làm kỷ niệm :
Nhập Như Lai tạng
Văn tự Quang minh Thùy vũ trụ
Phật ngôn Tuệ trạch Nhuận sinh linh.
Thời tại Canh Thìn niên xuân
Tam nguyệt nhị thập lục nhật
Lữ Hà Nội – Thái Hư
Từ năm 1935, ông xin nghỉ việc, dành trọn thời giờ để phụng sự Tam bảo. Ông đã dịch rất nhiều kinh sách bằng chữ Hán sang tiếng Việt. Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư, Kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền mang tên ông vẫn đang được lưu hành cho đến nay.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và mặt trận Hà Nội vỡ năm 1947, các hoạt động của Phật giáo ngưng trễ khắp nơi. Đến năm 1949 các Tăng sĩ và Cư sĩ mới lần lượt tập họp lại để thành lập Hội “Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt” và Hội “Việt Nam Phật giáo” tại chùa Quán Sứ và Hội “Phật tử Việt Nam” tại chùa Chân Tiên.
Về Hội “Phật tử Việt Nam” ở chùa Chân Tiên có sự đóng góp tích cực của Cư sĩ Văn Quang Thùy. Hội thường tổ chức diễn giảng tại chùa Chân Tiên, trong số các diễn giả có cư sĩ Văn Quang Thùy. Hội còn thành lập Ban Hoằng kinh để xuất bản các kinh sách Phật giáo, đặt trụ sở tại số 56 phố Hàng Trống, Hà Nội. nhân dịp này hai bộ kinh lớn là Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp do ông phiên dịch ra quốc ngữ cũng được xuất bản.
Ngoài ra, ông đã cùng với các bạn đồng chí hướng xuất bản tờ bán nguyệt san Bồ Đề để phổ biến Phật học. Báo này ra số đầu vào ngày 22 tháng 4 năm 1949, báo quán tại số 108 đường Boret Hà Nội, do ông làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo xuất bản liên tục đến tháng 5 năm 1954, đất nước bị chia đôi mới đình bản. Trên các trang báo này, ông đích thân phiên dịch, chú giải luận Duy Thức Tam Thập Tụng, Thập Mục Ngưu Đồ và viết nhiều bài giáo lý căn bản giúp cho việc học Phật của đọc giả. Cộng tác với ông có nhiều cây bút vững vàng như Nguyễn Xuân Chữ, Lê Văn Giáp, Hồng Liên, Đế Châu, Vũ Đình Mẫn, Trì Dung, Thanh Vân, Lê Văn Lương v.v…. Đặc biệt cây bút vui trẻ Cát Tường Lan đã chinh phục được sự mến chuộng giới độc giả trẻ tân học. Cô đã khéo dùng các kiến thức khoa học để chứng minh và giảng dạy Phật pháp, khiến lập luận được sáng tỏ và đầy thuyết phục.
Sau hiệp định Genève 1954, Cư sĩ Tuệ Nhuận-Văn Quang Thùy vào miền Nam, xin xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Từ đó ông lấy việc chuyên tu làm chính.
Ông mất năm Đinh Mùi 1967 tại Sài Gòn, hưởng thọ 80 tuổi, để lại cho kho tàng kinh sách Phật học Việt Nam nhiều tác phẩm dịch thuật giá trị.