Ðúng Và Sai

Thiền sư Bankei tổ chức khóa thiền nhiều tuần lễ, thiền sinh khắp mọi miền  đất nước Nhật Bản đều đến học. Trong thời gian tu tập, một thiền sinh bị bắt vì tội trộm cắp. Sự việc được trình lên thiền sư Bankei với lời yêu cầu phải trục xuất tội phạm, Bankei vẫn tảng lờ bỏ qua vụ này. Sau đó thiền sinh này lại bị bắt vì hành vi tương tự và một lần nữa Bankei cũng bỏ qua luôn. Việc này làm chúng thiền sinh nổi giận muốn làm ra lẽ bằng một thư khiếu nại hành động xấu của kẻ ăn cắp, tuyên bố rằng nếu không giải quyết họ sẽ bỏ đi nơi khác.

Bankei đọc bức thư khiếu nại xong, nhóm họp đại chúng lại và nói: “Này các huynh đệ khôn ngoan, hẳn huynh đệ biết việc nào là đúng và việc nào không đúng. Các con có thể đến nơi khác để học nếu các con muốn. Nhưng đối với huynh đáng thương này không biết phân biệt đúng sai. Ai sẽ là người dạy dỗ, nếu Thầy không dạy. Thầy sẽ giữ huynh này lại đây, dù các con có rời khỏi hết nơi này.

Một dòng nước mắt len nhẹ trên má người huynh đệ trộm cắp. Và tất cả lòng ham muốn biến mất.

Câu hỏi gợi ý

1)     Hãy cho biết điều đúng, sai theo bạn nghĩ?

2)     Thiền sinh đã học thiền tại sao còn phạm trộm cắp?

3)     Thái độ bỏ qua không trừng phạt kẻ phạm tội của thiền sư Bankei là quá đáng, gây cho đại chúng buồn phiền, bạn nghĩ sao?

4)     Vì lý do nào khiến cho nạn nhân phải rơi nước mắt giữa đại chúng?

5)     Nếu bạn là một trong số các thiền sinh ấy, phản ứng của bạn ra sao khi chứng kiến một vụ trộm cắp như thế? Bỏ qua cho xong chuyện? Làm lớn chuyện? Ðồng loạt bỏ thầy đi tìm thầy khác?

NHẬN XÉT GÓP Ý

1) Chỉ có luật nhân quả hay đạo lý nhân quả mới rõ ràng phân minh không thiên vị bất cứ một ai suốt dọc quá khứ, hiện tại đến vị lai. Một khi cái nhân gieo đã ung thối thì đừng mong gặt được quả tốt. Ðó là lẽ công bình tuyệt đối trong cuộc đời tương đối mà những ai cố tình muốn chối bỏ hay trốn chạy hành vi  bất thiện của mình cũng không thể thoát khỏi.  Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Còn đối với hạng người phàm phu thì việc đúng sai, thiện ác lại theo cảm tính nhất thời nên hiểu khi bất công và thiên lệnh, khiến cho cuộc đời đã rắc rối càng thêm rắc rối hơn.

2) Một người cho dù tu hành, khi chưa đạt đạo chứng quả thì cái nhân trong quá khứ vẫn còn sờ sờ ra đó không thể chỉ một sớm một chiều trừ diệt sạch hết được. Phật dạy người tu đạt đến quả Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm là hai trong bốn Thánh quả của hàng Duyên Giác mà những vi tế hoặc (nghiệp lực chi li ) vẫn còn tiềm tại khó có thể dứt sạch, huống nữa hạng phàm phu tu Thiền, tu Tịnh độ ư?

Có nhiều lúc chúng ta bị đánh lừa vì hình thức nên mãi lần mò trong đêm dài tăm tối  không tìm được lối ra mà vẫn cứ an nhiên , chấp nhận. Phật quở Ngài A nan nhận giặc làm con cũng vì lý do này. Bởi cái nhìn thiên kiến một chiều xưa nay của ta đã ăn sâu vào tiềm thức nên cũng khó nhận chân ra được đâu là chân lý.

3) Cái biết của ta cũng như “con ếch ngồi dưới đáy giếng”. Nhìn thấy bầu trời cũng chỉ lớn bằng cái nắp vung, thì làm sao có cái nhìn cao kiến đạt đạo của bậc thầy lỗi lạc giàu kinh nghiệm qua nhiều năm tháng! Thiền sư không những chỉ dạy thiền mà còn dò dẫm tâm tư của đệ tử qua từng thi vi động tác. Thái độ làm ngơ của thầy chính là một bài học vô ngôn đắc giá cảm hoá người môn đệ bằng ý giáo hơn là qua thân giáo, khẩu giáo .

4) Trong nhiều tình huống quá xúc động không diễn đạt được nên bằng lời thì giọt nước mắt là cách biểu lộ đẹp nhất với người đối diện để tạ ân, sám hối, van xin v.v… Ðó là cách biểu lộ tích cực mà trong đó hẳn có lúc ta không thể nào tránh khỏi.

5) Khi còn ở trong vòng đối đãi, phân biệt thì còn thấy có tướng ta, người , chúng sanh và tướng thọ giả nên phản ứng của ta bộc lộ qua bảy thứ tình cảm: vui, buồn, mừng, giận, ghét, yêu, ham muốn. Vì thế con người mãi bị vùi dập cuốn hút trong rừng tà kiến điên đảo vọng tưởng. Ðể vượt ra ngoài mọi kiến chấp sai lầm con người phải tìm về bản lai diện mục chính mình, không  còn dong ruổi theo căn trần nữa, thì không phải hệ lụy trong vòng đối đãi của thế gian, mà khai mở tuệ nhãn nhìn thấu bản tâm thanh tịnh chính mình.

Nguồn:tuvienquangduc.com.au