Được Rồi Lại Mất

Lời dẫn: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, khó mà nói hết được”, “ai cũng có một nỗi khổ riêng”. Hay nói cách khác “ba năm một vận tốt hay vận xấu xoay vần nhau”, “gió nước theo sự di chuyển”. “Kẻ ăn xin cũng mong ba năm gặp vận tốt”. Vì thế, con người “có lúc trăng sáng, có lúc sao sáng”. Ai cũng phải trải qua một giai đoạn khổ nhọc nỗ lực phấn đấu vươn lên. Khi cơ hội tốt đến, lại giống như sao sáng xẹt qua; nếu như lúc đó, chúng ta không nỗ lực chợp lấy thời cơ thì “mỗi năm hoa nở một lần, tuổi xuân trôi qua nhanh chóng”. 

Ngày xưa có một người rất nghèo khổ, hàng ngày hắn đi xin ăn khắp đầu đường xó chợ mà vẫn chịu cảnh thiếu trước hụt sau, tạm lây lất sống qua ngày.

Một hôm, có người hỏi hắn:

– Anh còn trẻ, mạnh khỏe, vì sao không tìm việc làm, lại phải chấp nhận cuộc sống ăn xin như vậy?

Hắn đáp:

– Việc gì tôi cũng không biết làm, người nào dám thuê tôi?

– Nếu như anh không sợ cực khổ thì tôi sẽ tìm cho anh một công việc.

Chỉ cần có việc làm thì tôi sẽ làm hết sức mình không sợ khổ nhọc. Anh yên tâm, tôi nhất định làm theo sự chỉ dẫn của anh.

Chẳng bao lâu, người này tìm được cho hắn một công việc làm. Quả nhiên có được công việc, hắn làm rất tốt. Công việc hàng ngày của hắn là gánh rau từ thôn quê bán cho người trong thành phố. Mặc dù công việc cực nhọc, nhưng hắn cảm thấy cuộc sống rất thoải mái nên không hề thấy mệt mỏi; vì thế, hắn rất hài lòng cuộc sống hiện tại. Có người hỏi:

– Anh gánh rau đi suốt cả ngày, đi và về mười mấy dặm. Anh không thấy mệt sao?

Hắn đáp:

– Trước đây, tôi đi xin ăn cũng đi suốt cả ngày, nhưng cuộc sống bấp bênh bữa no, bữa đói. Hôm nay có việc làm cuộc sống ổn định, làm sao tôi thấy mệt được?

Con người ở đời, rất ít người hài lòng với cuộc sống hiện tại nên đau khổ nhiều. Đức Phật dạy: “Biết đủ thường vui” chính là ý này.

Một hôm, hắn đang gánh rau, giữa đường phát hiện một túi đựng rất nhiều vàng; hắn vui mừng khôn xiết, vội mở ra xem và đếm thử được bao nhiêu vàng. Trong lúc, hắn đang say sưa đếm vàng, bỗng người chủ mất vàng chạy đến thấy la toáng lên:

– A! Đây là vàng của tao! Ngươi ở đâu đến, dám lấy trộm vàng của tao. Ngươi hãy đi theo tao đến gặp quan.

Hắn sợ hãi van xin:

– Xin lỗi ông! Túi vàng này tôi lượm nó ở đây, tôi không hề lấy trộm. Tôi trả lại cho ông đầy đủ, xin đừng bắt tôi đến quan.

Hắn tha thiết, cầu khẩn van xin mới được chủ vàng tha thứ. Sự việc xảy ra, chẳng những làm hắn mừng hụt mà suýt tí nữa bị bắt đến quan oan uổng và suốt cả đời không thể nào rửa sạch tội danh ăn trộm. Kiếp sống con người thật mong manh quá! 

Bài học đạo lý

Mỗi người chúng ta đều phải trải qua một thời gian chịu khổ cực nhọc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, cũng có lúc “hết cơn bỉ cực, đến hồi thái lai”. Những ngày chúng ta trải qua gian khổ sẽ cảm nhận cuộc sống sâu sắc và trưởng thành hơn, một giờ như trải qua mấy ngày. Ai cũng hi vọng tương lai tốt đẹp, lại mong cực khổ qua rồi được hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc hơn; cho nên, khi làm việc cực nhọc, họ không thấy vất vả. Hay nói cách khác, cuộc sống an vui sẽ trôi qua rất nhanh; một ngày như một giờ, một năm như vài ngày. Vì sao như thế?

Giống như người ăn ngon mặc đẹp, ngày nào họ cũng ăn sơn hào hải vị, nên không thưởng thức được vị ngon của thức ăn. Nếu như một năm, họ ăn món ngon chỉ vài, ba lần thì sẽ cảm nhận vị ngon tuyệt vời và cảm thấy rất thú vị. Có người hàng ngày không làm việc gì, thân thể không hoạt động không ra mồ hôi nên có ăn món gì cũng chẳng thấy ngon. Người lao động cực nhọc, thân thể vận động suốt ngày, mồ hôi chảy ra nên ăn món gì cũng thấy ngon miệng. Vì sao? Bởi vì thần kinh của con người cần phải hoạt động; nếu không hoạt động thì như tê cứng. Cho nên, người hằng ngày thích ăn ngon nhưng thần kinh không hoạt động thì chẳng bao giờ cảm thấy được vị ngon, gặp món ăn dở mà thần kinh hoạt động thì sẽ cảm thấy ngon. Hàng ngày, chúng ta không lao động chân tay và trí óc thì thần kinh cũng bất động tê cứng, có ăn gì cũng không thấy ngon. Thân thể lao động cũng rất cần uống nước nhiều, bồi dưỡng đủ chất và thần kinh cũng cần hoạt động thì chúng ta ăn món gì cũng đều thấy ngon.

Lý luận này chứng minh một việc “làm người có thân thì có khổ”. Thân thể cần cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, đi lại và phải lao động, có lao động chân tay và trí óc thì mới được mạnh khỏe, minh mẫn; bằng không sẽ sinh nhiều bệnh tật. Vì thế, chúng ta cần phải trải qua những ngày cực khổ thì mới được hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc; bằng không thì đừng mong mình được an vui. Chẳng phải con người sinh ra là trả nghiệp là gì? Không phải chịu khổ hay sao? “Con người sống ở đời mười việc hết tám, chín việc không như ý”. Như thế đủ để chứng minh đời người vui ít khổ nhiều. Chúng ta phải làm thế nào để được an vui nhiều? Trừ phi tu học Phật pháp, tiêu trừ nghiệp chướng thì mới có được cuộc sống cứu cánh an lạc. Bằng không thì được-mất, khổ-vui mãi mãi xoay vần.