Đười Ươi Uống Rượu

Đức Phật từng dạy: “Không nên tin vào ý mình” kẻo bị ý mình lừa gạt, phải luôn chính niệm tỉnh giác, ý thức rõ việc mình làm và hậu quả của nó để không mắc phải sai lầm đáng tiếc.

Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa ở đất Tứ Xuyên (Trung Quốc) có một loài đười ươi trông giống như người. Chúng quý hiếm vì biết cười nói, đặc biệt máu của chúng dùng nhuộm tơ lụa, do đó các thợ săn thường hay tìm bắt.

Đười ươi vốn thích uống rượu, nắm được yếu điểm này nên các thợ săn dùng rượu ngon để nhử bắt. Nhiều lần bị mắc bẫy nên những con đười ươi thoát nạn, biết cảnh giác, thấy những hũ rượu thơm ngon bày la liệt ở ngoài đồng trống nhưng không dám đến gần. Bầy đười ươi lẩm bẩm nguyền rủa những kẻ giăng bẫy hại chúng và bảo nhau chớ có bị mắc lừa.

Nhưng rồi mùi rượu thơm phưng phức khiến chúng phát thèm, quay lưng đi mà như có dây níu lại. Không kềm chế được, chúng nói với nhau: “Rượu thơm ngon quá, chúng ta thử nếm một tí thôi, chắc không hại gì. Một chút rượu không làm chúng ta say được”. Thế là đười ươi bắt đầu thận trọng chấm mút rượu trong thùng.

Thấy rượu ngon quá, chúng lại nghĩ: “Thưởng thức thêm một chút nữa cũng không sao”, rồi tiếp tục chấm mút lần thứ hai, thứ ba… Càng nếm càng thấy thích nên cứ nếm mãi rồi bưng luôn cả thùng mà uống. Rượu vào, đười ươi say chuếnh choáng, đầu óc mịt mờ, đi đứng loạng choạng.

Chỉ chờ có thế, thợ săn từ chỗ núp chạy ra vây bắt. Bầy đười ươi lảo đảo bỏ chạy nhưng không con nào thoát thân.

                                              (Theo Truyện cổ Phật giáo)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Đức Phật từng dạy: “Không nên tin vào ý mình” kẻo bị ý mình lừa gạt, phải luôn chính niệm tỉnh giác, ý thức rõ việc mình làm và hậu quả của nó để không mắc phải sai lầm đáng tiếc.

Rượu chè, cờ bạc, ma túy… là các thú vui làm băng hoại thể xác và tinh thần. Ai cũng hiểu ma lực của chúng, biết rõ sự nguy hại nhưng không ít người vẫn vướng vào, dễ dàng bị lạc thú mê hoặc, lôi kéo và dẫn dắt đến chỗ sa đọa, tự hủy diệt mình.

Con người thường quá tin vào ý của mình, chủ quan, khinh suất, xem thường mọi việc, để rồi đến lúc hối hận thì đã muộn. Một khi trong lòng đầy dẫy những tham muốn, thì con người dễ dàng bị những đối tượng của dục vọng như tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, danh vọng v.v… lôi kéo, mê hoặc. Chúng ta cứ nghĩ là có thể làm chủ được bản thân, không dễ dàng bị những thứ ấy sai khiến, trói buộc hay làm hại. Chẳng hạn như có người khi chưa nghiện ma túy, cứ nghĩ rằng chỉ thử qua một lần cho biết, rồi thôi. Họ đâu ngờ ma túy có ma lực lôi cuốn, hấp dẫn khiến họ không thể từ bỏ và trở thành nô lệ cho nó.

Đôi khi người ta vẫn ý thức được tác hại của việc mình làm nhưng vì người ta quá tin vào khả năng của mình. Ví dụ như những kẻ đầu trộm đuôi cướp, ít khi họ nghĩ rằng rồi đây sẽ bị bắt, họ luôn tin tưởng rằng có thể chạy trốn, lẩn tránh khỏi sự truy bắt và trừng trị. Có khi người ta, vẫn biết tác hại của một việc nào đó nhưng vẫn làm, bởi vì việc đó thỏa mãn đam mê và khát vọng của họ. Chẳng hạn như người ta biết rất rõ tác hại của thuốc lá, lời khuyến cáo trên bao bì mỗi gói thuốc là “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, nhưng họ vẫn sản xuất thuốc lá, vẫn hút thuốc lá. Bởi vì người sản xuất thì chạy theo lợi nhuận, người tiêu thụ thì được thỏa mãn sở thích và những cơn ghiền.

Chuyện bầy đười ươi không dằn lòng trước sự cám dỗ của rượu ngon dẫn đến hậu quả rơi vào tay thợ săn, mất mạng âu cũng là một bài học cho những ai còn chủ quan, không tự kiềm chế, chuyển hóa những lạc thú, đam mê.

Comments are closed.