Giữa Tứ Niệm Xứ của Tiểu thừa, Thiền của Ðại thừa, có chỗ nào khác nhau?

Hỏi:   Giữa Tứ Niệm Xứ của Tiểu thừa, Thiền của Ðại thừa, Ðại Thủ Ấn của Mật giáo, và Pháp môn Quán Tâm có chỗ nào khác nhau?  Có thể lấy chỗ dư bù đắp chỗ thiếu, bổ túc lẫn nhau hay không?

Ðáp:   Danh từ, thuật ngữ, và phương pháp của mỗi tông phái không giống nhau nhưng đều có chung một mục tiêu, tinh thần, và nghĩa thú (ý nghĩa và đường hướng).  Tứ niệm xứ thuộc về Thiền.  Thiền là gì?  Trong [Pháp Bảo] Ðàn Kinh, Lục Tổ có nói: ‘Bên ngoài không trước tướng là thiền, bên trong không động tâmđịnh’.   Kinh Kim Cang nói: ‘Bất thủ ư tướng, như như bất động’.  ‘Bất thủ ư tướng’ (không chấp tướng) là ‘thiền’, ‘như như bất động’ là ‘định’.  Không bị ngoại cảnh mê hoặc, không kể là cảnh thuận hoặc cảnh nghịch khi lục căn tiếp xúc cảnh giới của lục trần đều không bị ảnh hưởng, lay động, và quấy nhiễu là ‘thiền’; vĩnh viễn giữ được tâm thanh tịnh, không sanh vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước là ‘định’.

          Những pháp môn này có thể bổ túc và thành tựu cho nhau, nhưng tu hành thì nhất định phải ‘Ði sâu vào một môn’ (Nhất môn thâm nhập).  Thiệt ra một môn có đầy đủ tất cả các môn khác, nhất quyết không được tu hai ba pháp môn cùng một lượt.  Cho nên tu học nhất định phải lựa chọn pháp môn thích hợp với mình, thích hợp với công việc và trình độ trước mắt [sẵn có] của mình.  Như vậy thì dễ thành tựu hơn