Hòa thượng thế danh Võ Văn Nghiêm, pháp danh Giác Trang, hiệu Hải Tràng thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 41, sinh năm Giáp Thân (1884) tại làng Tân Quí, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn. Thân phụ là cụ ông Võ Văn Nghĩa, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tín. Ngài sinh trưởng trong một gia đình tín ngưỡng Tam Bảo thuần thành. Thân phụ Ngài là một vị hương chức trong làng, lúc tuổi ngũ tuần xin từ chức để xuất gia hiệu là Thanh Châu, đến 75 tuổi được phong Giáo thọ, sáng lập chùa Vạn Phước tại làng Tân Chánh, huyện Hốc Môn, Sài gòn. Ngài có hai anh em trai, người anh cả xuất gia được tấn phong Hòa thượng, hiệu Chơn Không.
Năm lên 16 tuổi (1899) được song thân chấp thuận, xuất gia tại chùa Long Huê – Gò Vấp làm đệ tử Hòa thượng Thích Từ Huệ, được Ngài ban pháp danh Giác Trang, pháp hiệu Hải Tràng. Năm Ngài 25 tuổi (1908) Hòa thượng Bổn sư cho tấn đàn thọ Cụ Túc giới. Sau đó Ngài được gửi đến chùa Long Phước ở Vĩnh Long, rồi đến chùa Tân Long ở Sa Đéc để tham học giáo điển. Nhờ chuyên cần tinh tấn theo học suốt tám năm, kiến thức càng mở rộng, đạo hạnh càng tăng tiến, nên Ngài càng được chư Tôn đức mến thương.
Năm Ngài 30 tuổi (1913) Hòa thượng Chơn Hội, Sư tổ chùa Thanh Trước ở Gò Công viên tịch, Ngài được Hòa thượng Bổn sư giới thiệu kế vị làm trú trì Tổ đình Thanh Trước. Thời gian này Ngài thường đi các tỉnh Hậu Giang để giảng dạy kinh Pháp Hoa, ngoài những buổi giảng dạy tại chùa trụ xứ.
Năm 1922, Ngài mở khóa Kiết hạ an cư tại chùa Thanh Trước và cho khắc bản in kinh Pháp Hoa được 200 bộ. Cũng mùa an cư này, có tổ chức Đại giới đàn, chư tôn Trưởng lão cung thỉnh Ngài lên ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng. Sau khi mãn hạ, Ngài cho trùng tu chùa Thanh Trước, tạo nơi đây thành một danh lam thắng cảnh của tỉnh Gò Công.
Năm 50 tuổi (1934), vì bản hoài Tịnh Độ, Ngài giao chùa Thanh Trước lại cho đệ tử, rồi về huyện Đức Hòa lập am tu tịnh nghiệp mong ngày vãng sanh tự tại, tuệ giác khai thông. Nhưng sở nguyện chưa toại, năm 1938, được Hòa Thượng Chơn Không (anh Ngài) yêu cầu, Ngài trở lên Phú Nhuận để kiến tạo chùa Phổ Quang trú trì ở đây và cùng với các vị cư sĩ chung lo Phật sự. Thời gian này phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát triển mạnh ở khắp nơi, ảnh hưởng lan rộng đến từng ngôi chùa.
Năm 1946, chùa Phổ Quang được tái tạo từ mái tranh vách lá thành chùa xây tường lợp ngói dưới sự chứng minh của Hòa thượng Chơn Không. Rồi bắt đầu từ năm đó, tùy phương tiện và cơ duyên mà chùa được kiến thiết ngày một khang trang thêm lên, trong đó nhờ uy tín và lời khuyến giáo của Ngài mà thập phương tín hữu hoan hỷ đóng góp công và của thêm nhiều.
Năm 1951, do sự tích cực vận động của Hòa thượng Nhật Liên, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt được thành lập tại chùa Ấn Quang do Hòa thượng Đạt Từ ở chức vụ Trị sự trưởng, Hòa thượng Nhật Liên ở chức vụ Tổng thư ký và Hòa thượng Đạt Thanh chùa Giác Ngộ được cung thỉnh làm Pháp Chủ. Ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Trưởng Lão. Cũng năm đó Ngài lại được cung thỉnh giữ chức vụ Chứng minh Đạo sư.
Các năm 1954 – 1955, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Tường chùa Vạn Thọ mở liên tiếp hai mùa an cư kiết hạ. Năm 1956 Ngài lại cùng Hòa Thượng Thiện Tường chùa Vạn Thọ, Hòa thượng Hành Trụ chùa Giác Nguyên khai hạ tại chùa Giác Nguyên để đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp. Năm 1959 Ngài kết hợp với Ban trị sự Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mở khóa kiết hạ tại chùa Thanh Trước ở Gò Công.
Năm 1961, tuy tuổi đã cao, Ngài vẫn mở hạ tại chùa Phổ Quang để trang bị cho Tăng Ni đầy đủ giới đức và học hạnh. Cũng năm này, Ngài giao cho đệ tử là Hòa thượng Thích Thiện Thông trú trì chùa Phổ Quang để Ngài có thời giờ theo bản nguyện tu tịnh nghiệp an dưỡng tinh thần.
Năm 1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài được Đại hội tôn cử vào Hội đồng Trưởng lão viện Tăng Thống. Cũng năm này, được sự chấp thuận của Viện Hóa Đạo, Ngài chỉ đạo cho Hòa Thượng Thiện Thông trú trì chùa Phổ Quang thành lập Phật học viện Phổ Quang. Đến năm 1966 được đổi tên là Phật Học Viện Hải Tràng.
Năm 1968, Hội Đồng Viện Tăng Thống lại cung cử Ngài vào ngôi vị Phó Tăng Thống GHPG Việt Nam Thống Nhất. Đến năm 1972, đạo hạnh và đạo nghiệp của Ngài đã đến hồi viên mãn. Một hôm Ngài báo cho các đệ tử biết là Ngài sắp trở về cõi Phật. Đến ngày 23 tháng 8 năm Nhâm Tý (30-9-1972) trước giờ Ngài thâu thần tịch diệt, hai Hòa thượng Thiện Hòa và Thiện Hoa đến thăm. Ngài mở mắt nhìn và chắp tay chào, rồi từ từ vãng sanh Lạc quốc. Ngài trụ thế 89 tuổi và 63 hạ lạp.