Hòa thượng Thích Thái Không, thế danh là Hoàng Long Phi, sinh ngày 07-7-1902 (Nhâm Dần) tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ Hoàng Đăng Khoa và thân mẫu là cụ Khống Thị Mai. Ngài là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống tin đạo. Năm 1917 (Đinh Tỵ), Ngài xuất gia đầu Phật nơi Tổ Khánh Hòa tại chùa Tuyên Linh thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Tại ngôi chùa này, Ngài đã cần mẫn miệt mài tu học, rồi được lần lượt thọ Sa Di và Cụ Túc giới.
Năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam phát khởi từ Hòa thượng Khánh Hòa, Bổn sư của Ngài. Vì thế Ngài được tiếp xúc thường xuyên với Sư Thiện Chiếu, cùng nhau hợp tác với Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Ngài lấy bút hiệu bằng chính pháp danh của mình, để tham gia viết bài cho tờ báo Từ Bi Âm, góp phần chuyển tải những giá trị tinh hoa Phật học cũng như lịch sử Phật giáo nước nhà, un đúc thêm niềm tin yêu Phật pháp và khêu gợi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc trong mọi tầng lớp độc giả. Nhờ đó, Ngài được xem như một sứ giả Như Lai hoằng truyền chánh pháp một cách rất đắc lực trong khoảng thời gian và hoàn cảnh mà Phật giáo hầu như bị đẩy lùi vào làng quê cô tịch.
Khi các hoạt động của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học tạm lắng dịu bởi những khó khăn khách quan, Ngài trở về với Hội Phật Học Lưỡng Xuyên, tiếp tục cống hiến tài sức làm lợi ích cho sự nghiệp chánh pháp, phụ lực với Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh và cư sĩ Trần Quỳnh là chủ bút tạp chí Duy Tâm để đào tạo Tăng tài cho Phật giáo miền Nam.
Năm 1944, Ngài trở về trú xứ chùa Tuyên Linh thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Nơi đây, vì giúp đỡ che giấu nhiều chiến sĩ cách mạng, Ngài bị giặc Pháp bắt điều tra, đánh đập và giam cầm sáu tháng. Nhờ Tổ Khánh Hòa lãnh ra cho về chùa Viên Minh ở một thời gian. Sau đó, vì e rằng Ngài tiếp tục hoạt động móc nối với các chiến sĩ Cách mạng, thực dân Pháp không còn cách nào khác hơn là quản thúc Ngài tại chùa Viên Giác, thị xã Bến Tre, hòng cách ly với quần chúng Phật tử và dập tắt lòng yêu nước nơi Ngài. Nhưng Ngài vẫn giữ lòng kiên định với dân tộc và đạo pháp.
Cuối năm 1941, do chiến tranh giữa thực dân Pháp với các lực lượng kháng chiến, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học không thể tiếp tục hoạt động vì thiếu nguồn tài trợ. Ngài chọn con đường kháng chiến chống Pháp, theo Cách mạng ra chiến khu. Năm 1945, Ngài được bầu làm Trưởng ban Chấp hành Hội Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Bến Tre, và là thành viên Mặt Trận Việt Minh tại quận Giồng Miếu.
Từ năm 1947 đến năm 1949, Ngài còn là Trưởng Ban chia cơm xẻ áo cho Vệ Quốc Đoàn tỉnh Bến Tre.
Năm 1951, Ngài được điều về công tác tại xã Long Hòa kết hợp với nhiệm vụ xây dựng lại từ đầu công việc hoằng hóa.
Năm 1960, tại Bến Tre phát động cuộc Cách mạng Đồng Khởi, Ngài được đề cử giữ chức Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bến Tre, kiêm chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng huyện Thạnh Phú.
Năm 1969, Ngài lúc này trú xứ tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, được hội đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đề cử trụ trì chùa Lưỡng Xuyên-Trà Vinh ngày 11/10/1970 và được suy cử làm Trưởng ban Giáo Dục Tăng Ni và Giám Luật.
Từ đó cho đến năm 1975, với danh nghĩa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài hoạt động công khai và giữ liên lạc thường xuyên với Cách mạng, nhất là với các cán bộ Tôn giáo kiều vận Trung Nam bộ.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Ngài được cử vào Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thị xã Trà Vinh.
Năm 1976, Ngài được bầu vào Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cửu Long, nhiệm kỳ I. Và đến năm 1977, là Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Cửu Long nhiệm kỳ I, II đồng thời là Ủy viên Hội Đồng Nhân Dân thị xã Trà Vinh nhiệm kỳ III.
Năm 1981, Ngài là thành viên Ban Trù Bị Đại Hội Phật Giáo Thống Nhất họp tại thủ đô Hà Nội.
Sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được hình thành, Ngài được suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ I.
Cũng như mọi chúng sinh chịu sự chi phối của định luật vô thường, Ngài đã xả báo an tường sau cơn bạo bệnh vào ngày 24 tháng giêng năm Quí Hợi (8.3.1983). Trụ thế 81 năm và 60 năm đạo nghiệp.
Một lòng trung kiên với dân tộc và đạo pháp, Ngài thể hiện một cách trọn vẹn cả Đạo lẫn Đời trong sự nghiệp và hành động, nối tiếp truyền thống đặc thù của Phật giáo Việt Nam qua gương Trúc Lâm – Tuệ Trung Thượng Sĩ.