Kinh Chép

HỎI: Năm 1964, tôi có duyên lành gặp hai quyển kinh Pháp Bảo Đàn kinh Kim Cang (dịch nghĩa). Vì kinh đã hư nát nên tôi phát tâm chép lại bằng viết mực rất cẩn thận và chính xác đúng với bản in, đến năm 1968 thì hoàn tất. Đối với tôi, hai bản kinh này rất quý và như là một kỷ vật đối với Tam bảo. Nay tôi đã già yếu và không biết hiến tặng cho ai hoặc lưu giữ bằng cách nào?  (NGUYÊN LẠC, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

ĐÁP: Bạn Nguyên Lạc thân mến!

Ghi chép kinh điển có công đức vô lượng. Ngày xưa, việc khắc bản gỗ để in ấn với số lượng lớn vốn rất khó khăn nên chép kinh để hoằng truyền Chánh pháp là việc làm phổ biến, luôn được khuyến khích và nhiệt liệt tán dương. Ngày nay, dù công nghệ in ấn rất phát triển, nhanh chóng và đẹp đẽ nhưng việc chép kinh không vì thế mà giảm đi ý nghĩa. Ngược lại, việc ghi chép kinh điển bằng tay và các tác phẩm kinh chép đó trở nên có giá trị tinh thần rất lớn và mang ý nghĩa tu học sâu sắc.

Bạn đã ghi chép được hai quyển kinh, ngoài việc gieo trồng vô lượng công đức với Tam bảo, hai quyển kinh ấy còn là những k vật vô giá, thiêng liêng. Theo thiển ý của chúng tôi, giới Phật giáo cần phải sưu tập, bảo tồn những tác phẩm dạng này. Hiện tại dù Giáo hội chưa xây dựng được bảo tàng Phật giáo, nhưng đã có một số chùa cùng các nhà sưu tập tư nhân nỗ lực lưu giữ các bảo vật Phật giáo như tôn tượng, pháp khí, tranh ảnh, sách báo v.v… Nếu bạn hiến tặng, thiết nghĩ sẽ có người xin nhận.

Mặt khác, bạn có thể dặn dò con cháu kính thờ hai bộ kinh chép tay ấy xem như “gia bảo” của gia đình. Hai bộ kinh do bạn chép sẽ trở thành đề tài mà con cháu của bạn tự hào, kể cho nhau nghe về gương tu học tinh tấn của cha ông để noi theo.

Nguồn: giacngo.vn