Lời Dịch Giả
Bản tiếng Việt Lâm Tế Ngữ Lục này được trích từ quyển thứ 14 của Chỉ Nguyệt Lục và tập thứ 47 của Bộ Đại Tạng Kinh. Lý do là phần có trong Chỉ Nguyệt Lục không thấy in trong bộ Đại Tạng; Ngược lại, phần in trong bộ Đại Tạng lại không có trong Chỉ Nguyệt Lục, nên chúng tôi dịch cả hai cho đầy đủ.
Ngữ Lục là bạch thoại đời xưa, thời bấy giờ ghi theo tiếng nói của chư Tổ, một số chỉ có âm mà không có chữ, những tiếng này không có trong tự điển ngày nay, nên dịch ngữ lục khó hơn dịch kinh, vả lại, ý của chư Tổ không phải ở nơi lời nói. Cũng như hỏi : “Thế nào là Phật ? đáp : ba cân mè”, “Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc đến ? đáp : cây bách trước sân”. vân…vân…
Chúng tôi dịch thẳng theo lời của chư Tổ. Người đọc nếu ngay đó ngộ liền là rất tốt, nếu không ngộ được tức nhiên phải không hiểu. Do sự không hiểu, sẽ phát khởi “Nghi Tình”. Nếu giữ mãi nghi tình, sau này sẽ được ngộ. Không nên tự ý giải thích để tự bít cửa ngộ của mình. Cho nên Lục Tổ nói :
“Nay ta gượng nói ra,
Khiến ngươi bỏ tà kiến
Chớ hiểu theo lời nói
Mới cho biết ít phần”
Tức là ý này vậy.
Thích Duy Lực
(Viết tại Garden Grove, Hoa Kỳ, mùa Xuân 1993)