Một thiền sư tên gọi là Gisan bảo một chú tiểu mang cho ông một thùng nước để dội mát phòng tắm của ông. Chú tiểu mang nước tới và sau khi dội mát phòng tắm xong, đổ trên mặt đất tí nước còn lại trong thùng.
“Con ngu quá!” Gisan mắng: “Tại sao con không đem nước thừa tưới cây?” ” Con có quyền gì phí phạm ngay cả một giọt nước trong chùa này?”
Ngay lúc đó chú tiểu giác ngộ. Chú đổi tên là Ðích Thủy (Tekisui) có nghĩa là một giọt nước.
CÂU HỎI GỢI Ý
1) Bạn biết gì về nước hãy cho biết khái niệm theo ý bạn. Có bao nhiêu loại nước?
2) Thế nào là thiếu nước? Thế nào là thừa nước? Ai cung cấp nước đến cho ta dùng?
3) Nước có phải là một loại nhu cầu thiết yếu cho đời sống? Tại sao?
4) Phật dạy La Hầu La lấy nước cho Phật rửa chân nhằm một bài học gì? Bạn có nhận chân ra giá trị đích thực qua câu chuyện này không?
5) Tekisui giác ngộ nhờ động cơ lời mắng trách của Thầy Gisan? Bạn đồng ý?
NHẬN XÉT GÓP Ý
1- Nước là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Ngay như trong cơ thể con người, những yếu tố cấu tạo nên thân tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa cũng đủ chứng tỏ tầm quan trọng của nước như thế nào đối với con người, cũng như với muôn loài vạn vật, không những ở thế giới này mà còn ở các thế giới khác nữa.
Như vậy, có thể tóm ý mà nói, nước có 2 loại như:
– Nước tịnh: tức nước sạch, nước thanh tịnh, nước lắng trong, nói rộng nước không bị phiền não nhiễm ô làm khuấy động tâm con người .
Ví dụ:
Dương chi tịnh thủy
(Nước cam lồ với cành dương thanh khiết
Dập não phiền rưới tắt khắp tam thiên”
Hoặc:
Thủy lưu tánh hải
Ba chú nông dương
Trừng thanh đàm để hiện tường quang
Nhuận trạch thanh lương
Nhứt trích biến thập phương
(Nước tánh vốn lưu thông
Sóng mòi chìm ngụp mênh mông
Lắng trong tỏ rõ ánh tường quang
Bóng trăng hiện ràng ràng
Thấm đượm thanh lương
Một giọt biến mười phương…)
– Nước bất tịnh: nước đục, nước lơ, nước có chứa chất bẩn, nước uống vào hẳn gây bịnh cho ta. Nói cách khác tâm chúng sanh bị phiền não, chấp đắm, tham trước buộc chặc v.v…
Ví dụ:
Khó chế khó nhiếp phục
hay:
Tâm tinh vi khó thấy
Ái dục thường chi phối
(Kinh lời vàng – HT Minh Châu dịch)
hoặc:
Không siêng, làm bẩn nhà
Biếng nhác làm nhơ thân
2- Ở đời cái gì cũng phải quân bình (balance) mới tồn tại và duy trì được lâu dài. Nếu nghiêng lệch một phía hay một bên sẽ có vấn đề ngay, huống chi nước là một nhu cầu cần yếu không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên nếu không suy nghĩ, xài nước quá lượng cũng đâu có tốt vì gây ra nhiều vấn đề, nếu không muốn nói có phương hại tới sức khỏe, sản xuất, môi trường v.v…như cổ đức có dạy:
Khôn cũng chết dại cũng chết !
Hễ việc gì thái quá sẽ bất cập, như câu chuyện đức Phật dạy đệ tử lên dây đàn.
Phật hỏi các thầy Tỳ Kheo:
– Dây đàn dùn tiếng như thế nào?
Bạch đức Thế Tôn:
– Dây dùn tiếng đàn sẽ không phát ra được.
– Dây đàn căng quá thẳng sẽ ra sao?
Bạch đức Thế Tôn:
– Dây đàn sẽ đứt không phát ra được tiếng. Nhờ ví dụ lên dây đàn mà đức Phật dạy cho các đệ tử một bài học sáng giá trên đời vậy.
3- Cây thiếu nước cây khô, người thiếu nước người chết. Nói chung mọi loài, mọi vật, thiên nhiên cây cỏ, đất đá đều cần nước làm tươi mát, để duy trì sự sống muôn vật, không những ở đây mà còn ở các thế giới nơi các hành tinh khác nữa. Chúng ta sống một ngày không thể thiếu nước được. Cũng do từ yếu tố quan trọng này của nước mà tục ngữ, ca dao Việt Nam có những câu gói ghém bài học luân lý, hiếu kính như: Ẩm thủy tư nguyên (uống nước nhớ nguồn)
Hay:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
4- Ðặc tánh nước là lưu chuyển, chặt không đứt, đốt không cháy, lưu lộ ở khắp các hang cùng ngõ hẽm, biết luồn lách đi qua mọi đồi khe hang hiểm và không bao giờ chảy ngược lại về nguồn. Nước có sức dung nạp được tất cả mọi sạch dơ của cuộc đời mà con người thải ra, mang đi trang trải ở khắp mọi nơi trong việc “bồi thiếu, xén thừa” làm quân bình mức sống mọi vật. Ðó Phật dùng sô nước rửa chân làm ví dụ cho La Hầu La một bài học tu thân đích thực. Nhờ đó, La Hầu La đã biết khắc phục tự thân và trở nên một người đệ tử giỏi, xứng đáng là một trong số 10 đệ tử xuất sắc của đức Phật, tu về mật hạnh.
5- Tục ngữ việt Nam có câu: “giáo đa thành oán”. Do vậy, ca dao mới có câu rằng:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Gisan trách Tekisui : “con ngu quá !” , vì giữa 2 thầy trò đã cảm thông nhau lâu rồi. Nếu cũng chỉ với lời quở trách ấy đối với người khác, kẻ xa lạ chưa chắc làm người đối tượng nể phục, giác ngộ trong sự hiểu biết, mà còn phản tác dụng nữa là đằng khác.