Ajahn Chah
MỤT MĂNG
Dầu bạn có thích vật gì đến đâu đi nữa, cũng phải luôn luôn nhớ rằng: Nó không vững bền lâu dài. Chẳng hạn như mụt măng, thấy có vẻ ngon lành đó, nhưng hãy tự nhủ “Chưa chắc.”
Muốn thử xem có chắc không, bạn phải cố gắng ăn mỗi ngày. Đến một ngày nào đó, bạn sẽ than phiền rằng măng chẳng còn ngon nữa. Rồi bạn sẽ thích ăn món khác, và tin chắc rằng món ăn mới này ngon hơn. Nhưng về sau cũng sẽ thấy chưa chắc nữa. Mọi vật đều không chắc.
GẬY LỚN, GẬY NHỎ
Vì có tri kiến sai lầm, nên người ta không thể giải quyết được những vấn đề của chính mình. Họ chẳng khác nào một người vất cây gậy nhỏ, để lấy cây gậy lớn hơn, nghĩ rằng gậy càng lớn thì càng nhẹ.
NGƯỜI MÙ
Muốn nếm hương vị của giáo pháp, bạn phải tự mình thực hành. Đức Phật không nói nhiều chi tiết về kết quả của sự thực hành, bởi vì khó có thể dùng lời để diễn đạt. Chẳng khác nào giải thích cho người mù từ trong bụng mẹ biết thế nào là màu xanh, thế nào là màu đỏ. Bạn có thể thử, nhưng chẳng có kết quả gì.
THÂN THỂ VÀ VẺ ĐẸP CỦA NÓ
Chúng ta bị mê hoặc bởi thân thể và vẻ đẹp của nó, nhưng thực sự nó bẩn thỉu. Giả sử không tắm trong một tuần, chúng ta có dám đến gần nhau không, hôi lắm! Khi ra mồ hôi, như khi làm việc nặng chẳng hạn, mùi thật khó ngửi. Lúc tắm rửa, mùi thơm của xà phòng thay chỗ cho mùi hôi của cơ thể. Xà phòng có thể tạm thời làm cho thân thể ta thơm tho, nhưng thật ra mùi hôi của cơ thể vẫn còn đó. Khi mùi thơm của xà phòng bay hết rồi thì mùi hôi của cơ thể sẽ trở lại. Ta thường nghĩ rằng cơ thể này đẹp đẽ, đáng yêu và khoẻ mạnh. Ta thường nghĩ rằng ta chẳng sẽ bao giờ già, đau và chết. Kỳ thực, ta bị cơ thể mê hoặc mà quên mất tâm. Tâm mới chính là chỗ nương tựa thực sự.
CƠM
Những lời dạy của Đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề của chính mình, nhưng trước tiên chúng ta phải thực hành để phát triển trí tuệ. Cũng như muốn có cơm ta phải bỏ công ra nấu, phải có củi, có nước và phải chờ đến khi cơm sôi, cơm chín. Không thể chỉ bỏ gạo vào nồi là có cơm ngay được.
LÒ GẠCH
Khi có cảm giác khởi dậy trong tâm thì hãy nhận diện nó, chứ đừng hất hủi nó. Đó là cách nhìn đúng đắn. Bạn có bao giờ thấy người ta nung gạch chưa? Người ta đốt một đống lửa trước lò gạch và để tất cả khói lọt vào bên trong. Tất cả sức nóng đều dồn vào trong lò. Chỉ cần làm như thế, và khi nhận đủ sức nóng, gạch sẽ chín.
Thực hành giáo pháp cũng giống như nung gạch trong lò. Tất cả cảm giác đều dồn vào trong để chúng chuyển thành chánh kiến. Tất cả sắc, thinh, hương, vị, xúc v.v… đều đưa vào trong, cảm giác sẽ trở thành kinh nghiệm quí báu giúp trí tuệ phát sinh.