Niệm Phật & Nhất Tâm

HỎI: Từ trước đến nay tôi thường tu tập tụng kinh, niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Thời gian gần đây, trong lúc niệm Phật bỗng xuất hiện trạng thái tâm không niệm nữa mà yên lặng không một dấy động, tâm trống rỗng không còn vọng tưởng. Tôi nghĩ rằng mình đã nhập định hay nhập thiền. Nay xin hỏi quý báo, trạng thái tâm như vậy thuộc về Thiền hay Tịnh độ? Nên tiếp tục lộ trình tu tập thế nào?

Tu tập niệm Phật phải hướng đến nhất tâm, không còn tạp niệm, vọng tưởng xen vào và tôi đã cố gắng niệm Phật liên tục trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong các hoạt động đều cần phải có sự suy nghĩ trước, như vậy những ý nghĩ đó có phải tạp niệm không? Trong khi niệm Phật đôi lúc tôi nghĩ rằng: Không phải mình lơ là niệm Phật do lo nghĩ đến công việc mà vì mình không lo nghĩ đến công việc mà cứ lo niệm Phật. Nghĩ như vậy có nên không ? (NGUYỄN CHÍ HẢI, Bình Chánh, Bình Thành, Thanh Bình, Đồng Tháp; ĐINH HỮU HẠNH, Trảng Bom, Đồng Nai)

ĐÁP:

Bạn Nguyễn Chí Hải và Đinh Hữu Hạnh thân mến!

Một hành giả có công phu tu tập lâu ngày, nhờ niệm Phật mà giữ chánh niệm liên tục, khiến định lực tăng trưởng, có thể dễ dàng đạt đến nhất tâm. Đối với những hành giả dụng công tu tập tinh chuyên thì “trạng thái tâm yên lặng không một dấy động, tâm trống rỗng không còn vọng tưởng” là chuyện bình thường. Lúc bấy giờ, tâm đạt được chánh niệm cao độ, định tĩnh vắng lặng mà sáng suốt rõ biết.

Theo chúng tôi, không nên và không cần quan tâm đến tên gọi của trạng thái tâm yên lặng ấy. Bởi khởi tâm phân biệt về nhập định hay nhập thiền hoặc tâm đó thuộc về Thiền hay Tịnh đều là vọng tưởng. Và dù cho tu tập bất cứ pháp môn nào, hoặc Thiền hoặc Tịnh, thì lộ trình tâm trong giai đoạn đầu đều trải qua những trạng thái như thế; từ loạn động đến an tịnh, từ tạp niệm đến nhất niệm, làm nền tảng cho định phát sanh. Tất cả những biểu hiện ấy là công năng của niệm, hành giả tu tập niệm Phật hay niệm hơi thở nếu phát huy và duy trì chánh niệm cao độ thì định lực càng vững chãi.

Ban đầu tu tập trì niệm danh hiệu Phật thì sáu chữ Di Đà-NamA Di Đà Phật là đối tượng niệm, hành giả phải cột tâm vào danh hiệu Phật ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt là trong các thời khóa như tọa thiền niệm Phật hay kinh hành niệm Phật thì công phu niệm Phật được gia tâm lên đến đỉnh cao, chánh niệm trọn vẹn. Ngay đây, hành giả cảm nhận được trạng thái tâm vắng lặng, an tịnh, rỗng rang, dứt bặt vọng tưởng (kể cả việc trì niệm) nhưng tâm vẫn sáng tỏ, rõ ràng, suốt biết tất cả. Đây là tiền đề cho việc thành tựu niệm Phật nhất tâm bất loạn hay niệm Phật đạt đến nhất tâm. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng duy trì và an trú tâm vững chắc trong trạng thái nhất tâm ấy. Nếu niệm lực và định lực chưa sâu dày thì vọng tưởng sẽ khởi lên và hành giả lại phải bắt đầu công phu niệm Phật để giữ tâm như vẫn thực hành mỗi ngày.

Vì vậy, trong quá trình tu tập niệm Phật, đạt đến trạng thái tâm an tịnh như đã trình bày là rất tốt. Vấn đề là luôn giữ vững sự trì niệm danh hiệu Phật, bởi cốt tủy của pháp môn Tịnh độniệm Phật đạt đến nhất tâm, thể nhập Tự tánh Di Đà.

Riêng đối với vấn đề suy nghĩ trước khi hành động, nói năng hay những ứng xử hợp lý trong đời sống thường ngày có phải là tạp niệm, vọng tưởng, làm trở ngại công phu niệm Phật không, theo chúng tôi, không trở ngại gì cả mà còn được công phu niệm Phật soi sáng. Tâm của chúng ta hoạt động liên tục, gần như không gián đoạn và phần lớn là ta không kiểm soát, không làm chủ được tâm mình. Khi tu tập niệm Phật, ta bắt đầu nhận diện rõ tâm của mình hơn. Nhờ nhận biết được tâm nên khi cần tư duy để làm việc ta ý thức rất rõ ràng về tư duy, suy nghĩ đương tại của mình. Nhờ có sự chánh niệm như vậy nên những suy nghĩ ấy đều đúng đắn, không tổn hại, từ bi h xả. Khi không cần tư duy để ứng xử cho phù hợp thì ta buông xả hết các ý niệm khác, chỉ duy trì trong tâm câu niệm Phật.

Trong quá trình tu tập, cần nhận rõ về tạp niệm là những ý niệm lang thang, không ý thức được và không kiểm soát được. Những tư suy, suy nghĩ có ý thức soi sáng, được ghi nhận và kiểm soát rõ ràng là chánh niệm. Hai dạng tâm này rất khác nhau, nên một hành giả tu tập niệm Phật vẫn có thể tư duy cho công việc thường nhật một cách bình thường mà không hề trở ngại gì cả.

Tuy nhiên, suy nghĩ và băn khoăn như “không phải mình lơ là niệm Phật do lo nghĩ đến công việc mà vì mình không lo nghĩ đến công việc mà cứ lo niệm Phật” thì quả là không cần thiết. Vì như đã nói, khi cần suy nghĩ cho công việc thì cứ suy nghĩ nhưng phải suy nghĩ với chánh niệm. Năng lượng và công đức tu tập niệm Phật sẽ làm nền tảng cho những suy nghĩ, hành động, ứng xử của chúng ta đúng đắn như pháp. Sau khi tính toán, sắp xếp công việc xong xuôi thì buông hết, trong tâm chỉ còn câu niệm Phật mà thôi.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn