Quỷ Tử Mẫu

Thuở Đức Phật còn tại thế, có một người đàn bà hóa qu chuyên bắt cóc trẻ con ăn thịt, người ta gọi bà là quy Tử mẫu. Dân chúng trong vùng ai nấy đều kinh sợ, nghe tên quỷ Tử mẫu liền ôm chặt lấy con mình, không dám sơ hở.

Một hôm, Đức Phật du hóa đến vùng quỷ Tử mẫu. Những người dân ở đây cho Ngài biết về người đàn bà quái qu này và cầu xin Ngài giúp họ. Đức Phật bèn bảo một vị La hán đến nhà quỷ Tử mẫu, dùng thần lực bắt đứa con nhỏ nhất rồi đem giấu đi. Khi quỷ Tử mẫu trở về, thấy mất con liền gào khóc thảm thiết, bỏ cả ăn ngủ, tâm thần bấn loạn chạy đi tìm con.

Để cho quỷ Tử mẫu thấm thía nỗi đau mất con, vài hôm sau Đức Phật đi đến và hỏi:

– Vì sao ngươi khóc lóc bi thương như vậy?

Quỷ Tử mẫu vừa khóc vừa trả lời:

– Người ta bắt mất con tôi!

Đức Phật hỏi:

– Ngươi thương con lắm phải không?

– Con tôi rất đáng yêu, mất nó chắc là tôi không sống nổi.

Bấy giờ Đức Phật mới ôn tồn dạy:

– Ngươi thương con của ngươi khác nào những người khác thương con của mình. Ngươi mất con đau xót như thế nào thì người khác mất con cũng đau xót như thế ấy. Cớ sao ngươi không nghĩ đến nỗi đau khổ của người khác? Lâu nay ngươi ăn thịt vô số trẻ con làm cho biết bao nhiêu bà mẹ đau khổ như ngươi hôm nay. Bây giờ ngươi có muốn Ta giúp tìm lại con không?

Quỷ Tử mẫu vội dập đầu lạy dưới chân Đức Phật cầu khẩn:

– Con đã tỉnh ngộ, rất lấy làm ăn năn. Cúi xin Ngài rủ lòng từ bi giúp con tìm lại đứa con. Tìm được con rồi, Ngài bảo làm gì con cũng làm theo.

Đức Phật bèn bảo vị La hán trả lại đứa con cho quỷ Tử mẫu. Từ đó quỷ Tử mẫu chẳng những không bắt trẻ con ăn thịt nữa mà còn quy y Tam bảo, nguyện bảo vệ trẻ con khỏi bị sát hại.

(Theo Lịch sử Đức Phật)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý:

Quỷ Tử mẫu thật tàn ác, ăn thịt trẻ con mà trong lòng vẫn còn đọng lại chút tình, tình mẫu tử. Mất con, qu đau khổ vô cùng mới thấm thía hết nỗi khổ của người bị mất con. Đức Phật thật khéo dùng phương tiện để cải hóa kẻ si mê lầm lỗi khiến cho tỉnh ngộ mà bỏ việc xấu ác, hướng về con đường lành, nhờ thương con mà quỷ Tử mẫu giác ngộ.

Câu chuyện trên cho ta bài học, những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác; những gì mình yêu quý, ưa chuộng, muốn gìn giữ, bảo vệ, không muốn đánh mất, không muốn bị tổn hại thì người khác cũng như vậy.

Biết lòng người cũng như mình nên không xâm phạm, làm tổn hại người. Từ sinh mạng cho đến những vật sở hữu, niềm vui, hạnh phúc… của người khác, chúng ta cần phải tôn trọng không nên xâm hại hay chiếm đoạt. Hãy lấy lòng mình để suy lòng người mà không suy nghĩ, nói năng và hành động mang lại khổ đau cho người.

Quỷ Tử mẫu đã gây vô vàn tội ác đáng đọa vào Vô gián, A tỳ địa ngục. Tuy vậy, khi giác ngộ biết cải tà quy chánh, quy thuận Tam bảo, nguyện làm hộ pháp và bảo vệ trẻ con… Vẫn biết tội phước vốn phân minh nhưng biết nhận lỗi, đứng lên từ những sai lầm, khắc phục sai phạm là điều đáng trân trọng. Bởi Đức Phật từng dạy: “Có hai hạng người mạnh nhất ở trên đời. Đó là hạng người không phạm lỗi và hạng người có lỗi lầm nhưng biết sám hối, khắc phục”.

Theo: chuyenphapluan.com

Comments are closed.