Sự Phát Đạt Chân Thật

Một ông nhà giàu yêu cầu Sengai viết một đôi điều để cho gia đình ông ta tiếp tục phát đạt, vì của cải có thể được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Sengai trải ra một tờ giấy và viết: “Cha chết, con chết, cháu chết”.

Ông nhà giàu tức giận hỏi: “Tôi nhờ anh viết những gì đem lại hạnh phúc cho gia đình kia! Tại sao đùa cợt thế?”

Không đùa cợt đâu, Sengai giải thích: “Nếu con ông chết trước, đó không phải là niềm đau xót lớn của ông sao. Nếu cháu ông chết trước con ông, thì ông và con ông không thấy lòng tan nát sao? Nếu từ đời này qua đời khác gia đình ông cứ chết theo kiểu tôi nói, thì đó cũng là một sự tự nhiên cuộc đời. Tôi cho đây là sự phát đạt chân thật.

CÂU  HỎI GỢI Ý

1/ Nếu cả giòng họ đều chết hết, còn ai tiếp tục hưởng sự phát đạt?

2/ Sengai viết ra như thế với dụng ý gì?

3/ Phân biệt giữa ba cái chết khác nhau ra sao?

4/ Con người hầu như không ai dám nói tới cái chết? Tại sao?

5/ Câu kết luận của Sengai có giúp được gì ông nhà giàu kia không?

NHẬN XÉT GÓP Ý 

1/ Sự phát đạt là một danh từ trừu tượng nhằm hai khía cạnh thể chất và tinh thần hay tâm linh:

– Về mặt thể chất: Sự giàu có dư giả của cải: nói chung mọi phương tiện cung ứng cho cuộc sống không thiếu món chi. Vấn đề quan trọng là việc sử dụng những vật tư ấy một cách hợp lý mới tránh khỏi bốn đại tai nạn: giặc cướp, nước trôi, lửa cháy và con hư phá tán.

– Về mặt tinh thần hay tâm linh hay đúng ra là cách xử sự ở đời. Muốn được mọi người kính mến, thương yêu ta phải có tâm quãng đại, lòng thương yêu rộng khắp mới thu phục lòng người.

2/ Nếu hiểu Sengai như một thiền sư thì hẳn có dụng tâm rõ rệt khi ứng đối với một ông phú trưởng giả có nhiều tham vọng muốn giữ làm tư hữu truyền đời con  cháu trong dòng họ những của cải, tài sản mà chính ông đã khổ công tạo dựng trong đời này. Sengai có ý nghĩ khác thường: của cải vật chất vốn vô thường chóng hoại diệt luôn thay ngôi đổi chủ. Không mấy ai ở đời có tài giữ được của cải không lọt vào tay người khác. Sao không nghĩ tới con người, nhân tố quan trọng tạo nên của cải – còn phải chết huống gì là sản phẩm nó dựng nên! Ðiều thích thú, bất ngờ làm cho phú ông cần phải suy tư và tỉnh ngộ: sống ở đời không phải chỉ thiên trọng vật chất mà còn phải lo săn sóc tâm linh nữa mới là sự phát đạt chân chính.

3/ Chết là xuôi tay nhắm mắt lìa đời, cho dù đó là cái chết của dân dã hay vua quan đều không có gì khác nhau. Huống gì cái chết của người cha, của con hay của cháu trong gia đình cũng như thường thôi, có gì đâu để phân biệt. Có khác chăng là chỗ dụng tâm của người sống.

4/ Ðiều đó chỉ đúng với một số người. Những người có hạnh nguyện lợi sanh không bao giờ mang tâm trạng sợ chết. Vì chết đối với họ không phải là hết mà chỉ là một tiến trình đi vào một kiếp sống mới nên dám hy sinh mạng sống cứu độ chúng sanh. Trừ các vị Bồ Tát như Quan Âm, Trì Ðịa, Thường Bất Khinh v.v…, trong đời còn có những vị thiền sư xả thân cúng dường Phật pháp mà gần chúng ta nhất là Bồ Tát Thích Quảng Ðức phát nguyện tự thiêu (1963) là một thí dụ điển hình.

5/ Sengai muốn cảnh tỉnh nhà phú hộ ba điều:

a- Ðừng quá thiên trọng vật chất sung mãn mà tự mình giam hãm trong ốc đảo không lối thoát.

b- Không có một món đồ nào ta cố ôm giữ mà được cả dù đó là báu vật quý giá đến đâu. Hễ càng bám chắc nó càng vụt khỏi tầm tay.

c- Nếu muốn cho dòng họ thạnh phát, điều trước tiên ông phải lo tu nhân tích đức để lại con cháu hơn là của cải, sự nghiệp.

Ca dao có câu:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời mai sau.

Hay:

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Hoặc:

Nhứt nhơn tác phước thiên nhân hưởng

Ðộc thọ khai hoa vạn thọ hương.

(Một người làm phước ngàn người hưởng.

Một cây trổ bông mười ngàn cây ảnh hưởng mùi thơm)

Nguồn:tuvienquangduc.com.au