Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn

Tôi có đọc một số sách báo Phật giáo và được biết chuyện kể Đức Phật đản sinh có câu nói: “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn (Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là đáng tôn quý nhất) và được giảng rằng: Ngã ở đây là Đại ngã chứ không phải cái ngã nhỏ nhoi (Tiểu ngã); hoặc Ngã ở đây là cái tâm chấp ngã, nó được người đời tôn quý tối thượng, không gì phá được nó… Xin cho biết câu nói trên phát xuất từ kinh nào và nên hiểu câu ấy như thế nào?

Hungv01@yahoo.com

Trước hết ta hãy tìm xuất xứ của câu trên. Nó được trích từ một đoạn trong Kinh Đại Bổn Duyên của Trường A Hàm (Hán dịch) kể chuyện Đản sinh của Đức Phật Tỳ Bà Thi và được xem là truyền thống đản sinh của chư Phật (gồm trường hợp Đức Phật Thích Ca), nguyên văn như sau: Ngài nhìn khắp bốn phương và đưa tay lên nói rằng: “Trên trời dưới trời duy chỉ có ta là tôn quý. Ta muốn độ chúng sinh khỏi sinh, già, bệnh, chết”. Kinh Đại Bổn (Mahapadana Sutta), số 13 của Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) kể chuyện đản sinh của Đức Phật Tỳ Bà Thi (cũng là của Đức Phật Thích Ca, theo truyền thống đản sinh của chư Phật) cũng có đoạn: Ngài nhìn khắp bốn phương, lớn tiếng như con Ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng trên đời! Ta là bậc tôn quý nhất trên đời! Ta là bậc cao cả nhất trên đời. Nay là đời sống cuối cùng của ta, Ta không còn tái sinh ở đời này nữa”. Đoạn kinh này giống y đoạn sau đây trong Kinh Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya Abbhuta Sutta) của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya): “Ta là tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao cả nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng của Ta, Ta không còn phải tái sinh nữa”. Ta cũng còn tìm thấy câu nói trên trong Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, trong Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự và trong Đại Đường Tây Vực Ký.

Như vậy đủ rõ chữ Ta ở đây không hề mang ý nghĩa triết học Đại ngã hay Tiểu ngã vốn là của Ấn Độ giáo. Theo đó, Đại ngã là cái ngã bất biến, thường hằng, tuyệt đối, vô cùng lớn lao, bao hàm cả vũ trụ. Tiểu ngã là cái ngã của từng cá nhân có tính chất của Đại ngã và nếu tu tập thì sẽ có lúc hòa nhập vào Đại ngã, đạt hạnh phúc tuyệt đối. Theo Phật giáo thì Ngã chỉ là một khái niệm giả tạo, hư huyễn, vô thường, khổ đau; con người chỉ thực sự hạnh phúc khi phá bỏ được cái ngã của mình bằng cách thực hiện vô ngã, tiến đến giải thoát tối hậu, Niết-bàn. Ở đây cũng không mang ý nghĩa phê phán sự chấp ngã của người đời. Ngã đây là một đại từ ở ngôi thứ nhất, do Đức Phật tự chỉ Ngài mà suốt cuộc đời, Ngài vẫn theo quy ước của thế gian mà tự xưng khi giao tiếp với mọi người. Lại nữa, câu nói trên cũng là của tất cả chư Phật trước Đức Phật Thích Ca khi chư vị vừa đản sinh. Đây chỉ là sự thể hiện truyền thống của chư Phật mà thôi.

Kinh dạy rằng sự đản sinh của Đức Phật là một đại sự nhân duyên, báo trước sự xuất hiện của một bậc Đại giải thoát, toàn trí, toàn năng. Ngài là Phật, Phật là bậc đáng tôn quý nhất trên đời thì lời tuyên bố “duy Ngã độc tôn” của Ngài là một lời chân thật, không liên hệ gì đến sự tự cao tự đại của số đông người đời. Khi đã thành Phật và đang hoằng dương Chánh pháp, Đức Phật cũng đã nhiều lần khẳng định Ngài là bậc tối thượng, cao hơn Phạm thiên hay bất cứ ngôi vị nào khác.

Vậy “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn” là một câu nói giản dị, chẳng có gì là khó hiểu của Đức Phật, nhằm chỉ tính cách của bất cứ bậc Đại giải thoát nào.

http://tapchivanhoaphatgiao.com