Tụng Kinh Pháp Hoa Thì Phải Ăn Chay Trường?

Người Phật tử, sau khi quy y Tam bảo được chư Tăng khuyến khích lập nguyện thực hành ăn chay

Kinh Phap hoa.jpg

Những ai ăn chay kỳ như bạn thì vẫn tụng niệm
các bộ kinh Phật (như kinh Pháp hoa, Địa Tạng…) bình thường – Ảnh: L.Đ.L

HỎI:

Tôi là Phật tử, thường phát tâm tụng kinh A Di Đà, kinh Phổ môn, kinh Địa Tạng, kinh lượng thọ, kinh Pháp hoa trong các thời khóa tu tập hàng ngày. Đặc biệt là tôi rất thích tụng kinh Pháp hoa.

Vừa rồi tôi nghe một người nói rằng, muốn tụng kinh Pháp hoa thì phải ăn chay trường mới linh nghiệm, trong khi tôi mới ăn chay một tháng chỉ được 10 ngày thôi.

Dù rằng tôi chưa ăn chay trường được nhưng luôn cố gắng giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý theo hướng thiện lành. Khi nghe như vậy tôi không dám tụng kinh Pháp hoa nữa nhưng trong lòng luôn thôi thúc, mong muốn được trì tụng kinh này. Không biết điều người ấy nói có đúng không? Tôi tiếp tục tụng kinh Pháp hoa được không?

(DIỆU MỸ, huyện Cần Giờ, TP.HCM)

ĐÁP:

Bạn Diệu Mỹ thân mến!

Người Phật tử, sau khi quy y Tam bảo được chư Tăng khuyến khích lập nguyện thực hành ăn chay một tháng ít nhất là hai ngày, người nào phát tâm ăn chay nhiều ngày hơn thì càng tốt. Do đó, bạn đã ăn chay được mười ngày trong một tháng và luôn tỉnh giác để “giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý theo hướng thiện lành” là rất quý hóa, không phải ai cũng làm được.

Còn vấn đề đọc tụng kinh Phật, ngoài tác dụng thanh tịnh ba nghiệp thì tụng kinh cốt để hiểu lời Phật dạy mà ứng dụng tu học trong đời sống hàng ngày nhằm thiết lập an vui, tịnh lạc. Đây mới chính là điều “linh nghiệm” đích thực của việc tụng kinh.

Tất nhiên, những ai ăn chay trường mà tụng kinh thì rất tốt, còn những ai ăn chay kỳ như bạn thì vẫn tụng niệm các bộ kinh Phật (như kinh Pháp hoa, Địa Tạng…) bình thường, không có gì trở ngại cả. “Linh nghiệm” hay không là do nơi Văn (đọc, nghe kinh) – Tư (suy nghiệm lời kinh) – Tu (thực hành những điều kinh dạy để được an lạc) chứ không phải là do ăn chay trường hay chay kỳ.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn