Vì Sao Trong Nhà Tổ Các Chùa Thường Đặt Thờ Pho Tượng Bồ Đề Đạt Ma Trong Thế Quảy Một Chiếc Dép?

Bồ Đề Đạt Ma, tiếng Phạn là Bodhidharma, là vị tổ thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ, nhưng lại là vị tổ đầu tiên khai sáng Thiền tôngTrung Quốc. Ông thuộc dòng Sát Đế Lợi, một dòng dõi quý tộc ở Nam Ấn Độ. Sau khi cha mất, ông xin xuất gia với tổ Bát Nhã Đa La (Prajnadhara), học phép Thiền định (Dhyana). Ông sang Trung Quốc vào năm 520, ghé Quảng Châu, sang Lạc Dương, trụ tại chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, phát triển Thiền tông. Ở đó ông tu phép tham thiền, ngồi yên lặng, quay mặt vào vách suốt chín năm liền. Con đường đạo học phát triển nên lập ra phái Thiền tông của Trung Hoa. Từ đó ông trở thành vị tổ thứ nhất (sơ tổ) của tông phái này. Ở Trung Quốc gần chín năm, ông thị tịch vào năm 529, nhập tháp tại chùa Định Lâm, trên núi Hùng Nhĩ.

Sau vua Hậu Ngụy sai Tống Vân đi sứ Ấn Độ về, gặp Bồ Đề Đạt Ma tại núi Thông Lãnh, thấy tay xách một chiếc dép, một mình đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi thì Bồ Đề Đạt Ma cho biết về Ấn Độ. Trở về, Tống Vân tâu lại vua Hiếu Trang đế. Vua ra lệnh mở nắp quan tài, quả nhiên quan tài không, chỉ còn một chiếc dép. Vua cho đưa dép về chùa Thiếu Lâm thờ tự. Đến năm 728 đời Đường, môn đồ dời dép về thờ tại chùa Hoa Nghiêm.

Vào thế k XVII, Phật giáo Đại thừa Trung Quốc có tác động mạnh mẽ đến xứ Đàng Trong qua sự truyền bá trực tiếp của các Thiền sư Trung Quốc, mang phái Thiền Lâm Tế vào Đàng Trong. Hình thức tín ngưỡng tôn thờ các vị tổ, đặc biệt là vị sơ tổ sáng lập ra dòng Thiền, càng được đặc biệt tôn kính. Chính vì vậy, hầu hết các chùa ở Nam Bộ, dù là ngôi chùa cổ hay mới vừa được xây dựng gần đây, trên bàn thờ tổ, thường đặt tượng Bồ Đề Đạt Ma để ngưỡng vọng.

Chiếc dép của Đạt Ma Tổ Sư

Tượng Bồ Đề Đạt Ma

Nam Bộ, ngoài phong cách tạc tượng Bồ Đề Đạt Ma tư thế đứng, tay cầm cây, quảy một chiếc dép, còn có thể thấy một số phong cách tạc khác, nhưng không phổ biến, như tượng đứng, tay càm chiếc dép, đặt trước ngực. Ngoài chất liệu tạc là gỗ, gốm nhúng men màu xanh đồng hoặc xanh dương, còn có tượng bằng đá, bằng đồng, bằng thạch cao và xi măng… Ngoài ra, theo vị trí, tượng Bồ Đề Đạt Ma thường được đặt thờ tại nhà tổ các chùa, nhưng tại chùa Phụng Sơn, quận 11, lại đặt thờ tại bàn thờ trong gian chính điện, ngang hàng với các pho tượng chính trên phần thượng điện. Điều này cho thấy trong tư duy các tu sĩ thuộc dòng Thiền Lâm Tế tại đây một ý thức khá rõ nét về tính thực tiễn trong việc thờ cúng của mình. Theo vị trí này, chư tổ, đối với các Thiền sư, cũng ngang hàng với chư Phật. Tổ là nhịp cầu nối, là trung gian trực tiếp đưa giáo thuyết của Phật đến với các tín đồ. Từ truyền thuyết này, nhiều ngôi chùa ở Việt Nam đều đặt tượng Bồ Đề Đạt Ma tại bàn thờ tổ để thờ tự, với hình tượng đang đi, tay cầm cây có chiếc dép.