XIN CHO BIẾT VỀ NHỮNG THIỀN SƯ NỔI TIẾNG Ở GIA ĐỊNH THẾ KỶ XIX ĐƯỢC MỜI RA KINH ĐÔ HUẾ DẠY ĐẠO

Gia Định là trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng từ sau khi Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập cơ cấu hành chính vào năm 1698. Nhiều ngôi chùa ở Gia Định đã trở thàn những danh lam, nhiều Thiền sư đã được biết đến và được mời ra kinh đô Huế dạy đạo. Đó là những Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng, Thiệt Thành Liễu Đạt, Tiên Giác Hải Tịnh

Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng người Bình Định, vào Gia Định tu tại chùa Đại Giác (Đồng Nai). Năm 1773 Thiền sư được cử giữ chức Trụ trì. Năm Gia Long thứ 14 (1815) Vua xuống chiếu triệu Thiền sư Mật Hoằng về kinh đô Huế, phong chức Tăng Cang chùa Thiên Mụ, và thỉnh vào nội cung thuyết pháp cho hoàng gia.

Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, còn gọi là Hòa thượng Liên Hoa, đệ tử của Hòa thượng Minh Vận Nhứt Tri, được cử làm Thủ tọa chùa Từ Ân (Gia Định) từ 1744 đến năm 1821. Năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817) Vua xuống sắc triệu Thiền sư ra kinh đô, cử làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ, được cử làm Pháp sư để thuyết pháp giảng đạo trong nội cung hoàng gia đến năm 1823.

Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh, pháp danh Hải Tịnh, húy Tiên Giác, người ở Gia Định, tu học tại chùa Giác Lâm và Từ Ấn, thuộc đời thứ 37 phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên. Năm 1821 Vua Minh Mạng cho mời Thiền sư ra kinh đô, trụ trì chùa Thiên Mụ. Thiền sư được mời vào nội cung giảng đạo cho hoàng gia. Thiền sư trở về Nam vào năm 1844. Thiền sư đã được triều đình ban cho áo, mão, hia và ban tặng một giá võng để đưa Thiền sư từ Huế về Gia Định. Hiện giá võng này vẫn còn đặt tại gian chính điện của chùa Giác Viên (quận 11).