Xót Xa Cỗ Mặn Ở Chùa

Hỏi: Chùa nơi tôi ở (thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) hiện không có người xuất gia tu hành. Trước đây, có sư trên tỉnh thỉnh thoảng lui tới làm lễ nhưng gần đây thì không. Hàng năm, vào đầu xuân, các cụ trong hộibản tự vẫn tổ chức lễ hội cho nhân dân đến cúng lễ và ăn cỗ (nhưng mà làm cỗ mặn, rượu-thịt).

Mọi người từ già đến trẻ đều hào hứng, nô nức đến chùa đóng tiền, góp gạo hay h cúng hòm công đức để được ăn cỗ chùa cho khỏe mạnh và phước đức. Là một Phật tử, nhìn cảnh bà con ăn uống rượu, thịt trong chùa (như đình, miếu) thấy xót xa và đau lòng quá. Năm nào tôi cũng đề nghị các cụ trong hộibản tự chuyển một phần sang cỗ chay cho thanh tịnh, bớt tội nghiệp sát sanh nhưng không được! Xin quý Báo trợ duyên.(sauyensau@yahoo.com)

wwwcc.jpg

Cơm chay ngày nay đã trở nên phổ biến

Đáp:

Bạn Sauyensau thân mến!

Bất cứ người con Phật nào, dù trong Nam hay ngoài Bắc, nhìn cảnh chùa trong mùa hội với cỗ mặn rượu thịt không thanh tịnh, mất trang nghiêm đều xót xa. Mong muốn nhà chùa tổ chức lễ hội với tiệc chay (không bia rượu, cá thịt…) của bạn thật chính đáng, tiếc rằng dù bạn đã nỗ lực, nhiều lần đề nghị các cụ trong hội chùa thay đổi sang cỗ chay nhưng không thành.

Theo thư của bạn trình bày, chúng tôi thấy bà con Phật tử ở thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang vẫn một lòng trung kiên với Phật, với chùa. Mọi người đều nô nức góp gạo góp tiền tham gia hội chùa, và nhất là mong mỏi được thọ lộc chùa đầu năm cho có phước, chứng tỏ thiện tâm hướng Phật của bà con rất mạnh. Chỉ tiếc rằng chùa không có Tăng, Ni hướng dẫn nên các cụ trong hội và bà con chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập cỗ chay cúng Phật, ăn chaytrai giới để cầu phước nên mới tổ chức cỗ mặn (giết hại sinh vật) với bia rượu như lễ lạt hội hè ở đình miếu, khiến cho cảnh chùa không được thanh tịnh trang nghiêm.

Để góp phần giải quyết thực trạng này, thiết nghĩ, Ban Trị sự GHPG tỉnh Bắc Giang cần có công văn hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử ở các chùa, viện… trong tỉnh tổ chức lễ, Tếtlễ hội thanh tịnh, trang nghiêm theo tinh thần Chánh pháp và Hiến chương GHPGVN. Nếu được sự quan tâm hướng dẫn cụ thể của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bắc Giang, chắc chắn các cụ bô lão trong hộibản tự sẽ tuân thủ để tổ chức lễ hội theo hướng thanh tịnh và trang nghiêm như Chánh pháp.

Theo báo Bắc Giang online (năm 2009), toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 600 ngôi chùa với gần 100 vị Tăng Ni, hơn 16 vạn tín đồ Phật giáo. Như vậy, truyền thống và tiềm lực Phật giáo của tỉnh Bắc Giang là không nhỏ. Với số lượng chùa, viện hiện có khá lớn nhưng Tăng số lại quá ít. Chính sự thiếu hụt nhân sự Tăng Ni lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn Phật tử tu học tại cơ sở chùa viện là nguyên nhân chủ yếu của các hiện tượng trên.

Nhân sự việc này, chúng tôi đề nghị Trung ương GHPGVN, Văn phòng I, Văn phòng II, Ban Trị sự GHPG tỉnh Bắc Giang cần có ngay chủ trương, chính sách điều phối, bổ nhiệm nhân sự Tăng Ni về các chùa viện còn thiếu trụ trì để điều hành Phật sự. Hiện nay cả nước có 46.495 Tăng Ni (Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự năm 2010 của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN), đa phần các vị đều có khả năng trụ trì hay hướng dẫn Phật tử tu tập đúng Chánh pháplại tập trung phần lớn ở miền Nam và miền Trung, nhất là những khu đô thị lớn. Trong khi ở những vùng sâu vùng xa và các tỉnh phía Bắc lại quá khan hiếm nhân sự Tăng Ni. Nếu Trung ương GHPGVN có chủ trương và chính sách điều phối nhân sự rõ ràng, các Ban Trị sự PG tỉnh cũng thông thoáng trợ duyên cho Tăng Ni các nơi khác đến hành đạo thì sẽ góp phần làm cho Phật pháp được xương minh trên cả nước.

Trong bối cảnh cải đạo Phật tử đang ngày càng mạnh mẽ, diễn ra ở khắp nơi cùng với sự thiếu vắng Tăng Ni lãnh đạo tinh thần cho Phật tử ở một số vùng miền, thì việc Trung ương GHPGVN điều động nhân sự Tăng Ni một cách năng động và hợp lý đến các cơ sở chùa viện trên cả nước là vô cùng cần thiết. Thực tế thì đã có một số chư vị Tăng Ni miền Trung-Nam đã được bổ nhiệm trụ trì tại các tỉnh phía Bắc nhưng với số lượng rất khiêm nhường, trong khi các chùa viện thiếu vắng Tăng Ni còn rất nhiều.

Sau một thời gian dài đào tạo, PGVN hiện nay đã có Tăng số hùng hậu, nhất là không thiếu nhân lực trụ trì. Thế nhưng, do chính sách điều phối, bổ nhiệm nhân sự Tăng Ni đến các cơ sở chùa viện trên toàn quốc của Trung ương GHPGVN chưa mấy hiệu quả nên mới có những bất cập như đã nêu. Do vậy, GHPGVN cần sớm có những quyết sách phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tu tập, hành đạo của Tăng Ni và Phật tử trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ căn bản và quan trọng nhất của PGVN trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn