HỎI: Tôi thường nghe giảng kinh, có giảng sư nói “Thiện hữu tri thức” có vị thì nói “Thiện hữu trí thức”. Vậy cụm từ nào chính xác và ý nghĩa thế nào?(makhanhtuan@aim.com)
ĐÁP: Bạn makhanhtuan… thân mến!
Thiện hữu tri thức hay Thiện tri thức là một thuật ngữ Phật giáo. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang,Thiện tri thức (Phạn ngữ Kalyàna-mitta) còn gọi là Tri thức, Thiện hữu, Thắng hữu, Thân hữu, là người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng giáo hóa, dẫn dắt người khác theo chánh đạo. Ngược lại, người dẫn dắt người khác theo tà đạo gọi là ác tri thức.
Theo kinh Đại Phẩm Bát Nhã, quyển 27, người có khả năng giảng nói các pháp Không, Vô tướng, Vô tác, Vô sinh, Vô diệt và Nhất thiết chủng trí, khiến người khác vui mừng tin ưa được gọi là Thiện tri thức.
Kinh Hoa Nghiêm thuật chuyện Thiện Tài đồng tử cầu đạo các vị Thiện tri thức. Trên từ chư Phật, Bồ tát cho đến trời, người bất luận là ai, nếu người ấy có khả năng dẫn dắt chúng sanh bỏ ác làm lành, hướng về Phật đạo đều gọi là Thiện tri thức.
Luật Tứ Phần nói bậc Thiện tri thức phải hội đủ 7 điều kiện: Cho được những gì khó cho, làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, việc kín nói cho nhau biết, bảo bọc cho nhau, gặp khổ không bỏ, gặp nghèo không khinh.
Ngài Trí Giả trong Ma Ha Chỉ Quán chia Thiện tri thức thành ba hạng: Ngoại hộ thiện tri thức – Giúp đỡ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi, an ổn cho hành giả tu tập. Đồng hạnh thiện tri thức – Cùng nhau tu tập, động viên khích lệ sách tấn lẫn nhau. Giáo thọ thiện tri thức – Khéo thuyết giảng Phật pháp, giúp hiểu biết sâu sắc giáo pháp, phương thức tu tập.
Như vậy, chính xác là cụm từ Thiện hữu tri thức chứ không phải Thiện hữu trí thức. Xung quanh ta, hiện hữu rất nhiều bậc Thiện tri thức. Vấn đề là phải sáng suốt để nhận ra và nương tựa các bậc Thiện tri thức để tu tập, hoàn thiện chính mình.
Chúc các bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn