Ðộng tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sanh
Hai tướng động tĩnh hoàn toàn chẳng sanh
Còn thấy có tướng đối đãi là còn tiếp tục đi vào sai lầm tai hại, vì con mắt phàm phu chưa liễu đạt được tất cả vạn pháp.
Trong Duy Thức dẫn câu chuyện có anh chàng ban đêm tối trời ra sân thấy dây thừng nằm cuộn tròn tưởng con rắn bỏ chạy. Cũng như vậy, người chưa tu giống anh chàng kia nhìn vào các pháp có chỗ lầm lớn mà không tự hay biết. Ðến khi nhận chân ra được thực tướng các pháp, nhờ công phu tu tập mới tỏ ngộ việc thấy sai nhìn lầm của mình từ trước. Hầu hết ở đời chúng ta đều mang cặp kính màu không nhìn rõ thực tại vạn sự vạn vật, nên nhiều lúc mắc vào sai lầm trầm trọng. Kinh Pháp Hoa phẩm Phương tiện thứ hai có nêu rõ 10 Như Thị để quán chiếu sự vật như sau:
Tướng như vậy, tánh như vậy
Thể như vậy, lực như vậy
Tác như vậy, nhơn như vậy
Duyên như vậy, quả như vậy
Báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.
Các pháp phải được nhìn dưới lăng kính 10 cái đúng Như Thị mà chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột tướng chơn thật của vạn sự vạn vật mà thôi. Khi đã nhìn thấu thị mọi pháp như thế, hẳn không còn nhận giặc làm con nữa mà biết phân biệt: chánh – tà, chân – ngụy, pháp – phi pháp v.v…
Do vậy, không còn niệm phân biệt hai tướng động tịnh mà muôn pháp hoàn toàn chẳng sanh, cũng chẳng diệt hiểu theo tinh thần kinh Bát Nhã.