HỎI: Trong một vài lần thảo luận về Phật Pháp giữa những người bạn đạo với nhau, có người này khen người kia là nói thẳng như thế là trực tâm, là tốt vì trực tâm tức thị đạo tràng. Vậy em xin hỏi câu “Trực tâm tức thị đạo tràng” là gì và có giống với câu “Bình thường tâm thị đạo” không?
ĐÁP :Tâm chúng ta thường bị dao động theo hai chiều thuận và nghịch. Khi thấy một hình ảnh vừa ý thì liền yêu thích và muốn chiếm lấy cho bằng được; đây là chiều thuận, phát triển lòng tham. Khi ý muốn không được thỏa mãn thì ta bực tức sân hận; đây là chiều nghịch, phát triển lòng sân. Lìa hai chiều thuận nghịch, thấy biết rõ ràng mà không có một niệm phân biệt chia chẻ, bất động trước bát phong tấn công (được – mất, danh thơm – tiếng xấu, khen ngợi – khiển trách, vui sướng – khó chịu) chính là tâm bình thường.
“Bình thường tâm thị đạo” là câu nói của Thiền sư Nam Tuyền, ngay nơi tâm không phân biệt, tâm bình thường chính là đạo.
Tâm không bình thường là tâm ở trong hai trạng thái: vọng thức và vô ký. Những tạp niệm lao xao quen huân tập không dừng, dẫn đến vọng thức; sự mơ màng, ngầy ngật dẫn đến vô ký. Nói một cách khác Tâm không bình thường là tâm ý thức phân biệt do vọng duyên lập thành, trói buộc với khái niệm tương đối (có không, thường đoạn) trong vọng nghiệp nhơn quả.
Tâm bình thường là trí tuệ Bát Nhã, trong sáng, nhận biết rõ ràng nhưng thinh lặng, rỗng rang. Đó là Tâm Đạo, là tâm không phân biệt.
Lời “Bình thường tâm là đạo” của Nam Tuyền, ý nói sau khi kiến tánh, khởi niệm, động niệm đều là Phật tánh, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, cuộc sống hằng ngày đều là chơn như, ấy là cảnh giới sau khi chứng ngộ. Nay người ta hiểu lầm câu “Bình thường tâm là đạo” tức là bình thường để qua ngày, bình thường làm một người tốt, mặc kệ tùy duyên.
“Trực tâm tức thị đạo tràng” tương tự cũng như thế, khi tiếp xúc khách trần qua lại mà không khởi niệm đó là trực tâm. Người có trực tâm thì ngay nơi người đó ở là đạo tràng, ngay đó là cảnh giới giải thoát, chứ đạo tràng không phải là chỗ của Đức Phật ngồi thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ như chúng ta đã từng lầm nghĩ.
Ngài Duy Ma Cật nói chỉ cần trực tâm thì đâu đâu mình có mặt cũng đều là đạo tràng cả. Ý ngài nói là sau khi kiến tánh, khởi tâm động niệm đều là Phật tánh hiện hành, chỉ một tâm ngay thẳng chẳng biến đổi, chẳng phân biệt. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Nếu trong tất cả nơi, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ một tâm ngay thẳng (tâm không phân biệt) là đạo tràng chẳng động, là Tịnh độ chơn thật, gọi là Nhất hạnh tam muội”.
Trực tâm là nhìn vạn pháp bằng con mắt “thập như thị”; tánh, tướng, thể, lực, duyên, quả báo, như vậy là như vậy, chứ không bao giờ khởi tâm phân biệt, chê bai xấu đẹp hay bất mãn ưa chuộng. Trực tâm là luôn ở trong chánh niệm, nhìn vạn pháp từ xưa đến nay thường vắng lặng, thường tịch diệt, trung thực với tánh chất của vạn pháp không thêm không bớt. Nhiều người hiểu lầm cho rằng con người chỉ cần ăn ngay nói thẳng (nói thẳng mà không sợ mích lòng) là ngộ đạo, ấy là sai lầm.
Nguồn: thuvienhoasen.org